An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thanh Hóa đạt và vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo
10:26 AM 21/08/2024
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021, tuy nhiên đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu tổ chức thực hiện.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời, song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương và nhân dân các hoạt động thuộc Chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong đó phải kể đến như: Hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh cơ bản đầy đủ; các khó khăn, vướng mắc cơ bản được giải đáp; cơ chế quản lý, điều hành được đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ.
Một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo xã Thiết Ống, huyện Bá Thước nhận cây giống dược liệu về trồng, góp phần tăng thu nhập
Qua đó, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể: năm 2022 giảm 1,79%; năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 dự kiến giảm 1,5%. Bình quân giai đoạn 2022 - 2024 dự kiến giảm 1,59%, vượt kế hoạch đề ra bình quân là 1,5%/năm. Dự kiến cuối năm 2024 còn 20.344 hộ nghèo, giảm 47.350 hộ nghèo so với đầu giai đoạn (đầu năm 2022 là 67.864 hộ nghèo).
Về bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững, ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần xác định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đưa nội dung giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của địa phương, đơn vị.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan trong việc nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Chương trình nhằm ban hành kịp thời, đầy đủ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không còn phù hợp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu. Quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức có năng lực tham mưu, tổng hợp xây dựng, ban hành, văn bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc đặt ra. Chú trọng khai thác tối đa, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác soạn thảo văn bản nhằm bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng văn bản trước khi trình ban hành. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định vai trò tham mưu triển khai thực hiện của các ngành. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để các huyện nghèo, các huyện có số lượng hộ nghèo cao quyết tâm phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; cấp xã, cộng đồng thôn, bản phải chủ động trong việc quản lý, giám sát và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn; phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách giảm nghèo trên địa bàn./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa