Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thanh Hóa: Chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
08:21 PM 24/04/2023
(LDXH) - Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhằm tạo cho các em có môi trường sống lành mạnh, an toàn.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo UBND huyện trao quà cho 30 em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Quan Sơn
Trong năm 2022, Sở Lao động – TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh với sự tham gia của hơn 450 đại biểu. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với sự tham gia của 300 đại biểu; tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thông tin và Du lịch huyện Nông Cống với gần 500 đại biểu tham dự.
Xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; vận động 03 nhà mạng (Vinaphone, Mobifone, Viettel) hỗ trợ gửi tin nhắn tới 3.003.940 thuê bao sử dụng điện thoại di động; phối hợp với các cơ quan báo chí đưa hơn 250 tin, bài về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; thực hiện treo 80 băng- rôn, khẩu hiệu, lắp đặt 06 pa-nô, cấp phát 30.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; làm 90 biển cảnh báo, biển cấm phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức 35 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng và kỹ năng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cho gần 2.500 lượt người; tổ chức 84 lớp tập huấn truyền thông, trang bị kiến thức kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức 79 lớp dạy bơi an toàn cho 1.284 trẻ em tại 09 huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo UBND cấp huyện triển khai thực hiện việc xác minh làm rõ, xử lý và kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với trẻ em bị xâm hại tình dục; phối hợp với 05 huyện triển khai, thực hiện các hoạt động của dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em. Phối hợp, giải quyết 03 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em. Thăm hỏi, hỗ trợ 31 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là 60 triệu đồng. Trong năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã kêu gọi, vận động được số kinh phí đạt trên 4,5 tỷ đồng; với nguồn lực huy động được, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa đối với hơn 7.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc tại 03 huyện, thị xã. Phối hợp với Tỉnh đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại 02 huyện. Tham gia Đoàn kiểm tra do Bộ LĐTBXH tổ chức đi kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em tại huyện Thiệu Hóa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 948.944 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh), trong đó có 12.771 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và 109.052 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Tỷ lệ trẻ em có HCĐB được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau đạt trên 93,7%; 100% số vụ xâm hại trẻ em đều được phối hợp, can thiệp, trợ giúp và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; 100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp với trẻ em được quan tâm thực hiện, trong năm đã có 466/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 83,36%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các vụ tai nạn đuối nước trẻ em vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh và tăng so với cuối năm 2021; theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ tai nạn đuối nước làm 44 trẻ em tử vong (tăng 14 vụ tai nạn đuối nước và tăng 16 trẻ em tử vong so với cuối năm 2021).
Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống xung quanh trẻ em chưa an toàn, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, trong khi đó chính quyền cơ sở chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như: cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ao, hồ, sông, kênh mương, khu vực nước sâu; chưa vận động người dân làm rào chắn cho ao, hồ của gia đình... Nhiều gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gánh nặng kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến cha mẹ buông lỏng trong việc quản lý, giám sát trẻ em. Sự thiếu nhận biết nguy cơ, thiếu kỹ năng bảo vệ an toàn trong môi trường nước của chính bản thân các em. Số lượng trẻ em trên địa bàn tỉnh được học bơi an toàn và kỹ năng bảo vệ an toàn trong môi trường nước còn ít. Hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp do Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng lớn. Nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn thiếu, hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác nhau.
Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 1,3%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 95% và 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực được can thiệp, trợ giúp kịp thời; phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 92,1% và tổ chức vận động nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em (tiền mặt và hiện vật) đạt từ 02 tỷ đồng trở lên. Trên cơ sở đó, tỉnh kiện toàn, củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường truyền thông vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chuyển đổi hành vi của người dân về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, trợ giúp kịp thời những trường hợp trẻ em bị xâm hại; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho các hoạt động và công trình công cộng dành cho trẻ em./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em