Tham vấn ý kiến doanh nghiệp về quy định đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)
(LĐXH) - Ngày 18/4/2019, tại Hải Phòng, Tổng cục GDNN phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến doanh nghiệp về quy định đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tham dự Hội thảo có TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN; bà Andrea Prince - Cố vấn trưởng Dự án Khung khổ quan hệ lao động mới (NIRF); ông Nguyễn Hồng Hà – Trưởng nhóm việc làm và phát triển kỹ năng của ILO; đại diện các DN cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Sự cần thiết sửa đổi các quy định về đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong BLLĐ
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trương Anh Dũng cho biết: Lĩnh vực GDNN có rất nhiều những luật liên quan, cụ thể là Bộ luật Lao động (BLLĐ), Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Luật Việc làm. Liên quan đến học nghề, phát triển kỹ năng cho người LĐ, BLLĐ quy định hẳn 1 chương. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ LĐTBXH đang xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm có tính chất đột phá đó là: Chuẩn hóa hệ thống GDNN, Tự chủ cho các cơ sở GDNN và gắn kết các doanh nghiệp (DN). Riêng nội dung gắn kết DN được triển khai tích cực, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan và DN.
Vì vậy, việc sửa đổi các nội dung liên quan đến học nghề, phát triển kỹ năng trong BLLĐ lần này sẽ tác động mạnh mẽ tới đối tượng là chủ sủ dụng lao động và người lao động, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút sự tham gia của các DN vào hoạt động GDNN. Thêm vào đó, trong Luật GDNN hiện nay, đối tượng và phạm vi áp dụng đang nghiêng nhiều về hệ thống GDNN, về cách thức tổ chức đào tạo, về các trường, các trung tâm quản lý đào tạo... Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi của hoạt động GDNN hiện không chỉ gắn ở trong các trường, lớp mà còn gắn chặt với hoạt động của các DN. Các nội dung này lại được quy định rất cụ thể trong BLLĐ. Chính vì vậy, việc sửa đổi BLLĐ cũng là nhằm tích hợp các quy định có liên quan ở trong 2 luật, đồng thời bổ sung thêm những quy định mới qua quá trình triển khai trong thời gian vừa qua cho phù hợp với thực tiễn.
Nhiều quy định mới
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 4 nhóm vấn đề: (1) Các khái niệm về đào tạo nghề (GDNN); Phát triển kỹ năng nghề trong BLLĐ (như: Đào tạo nghề; học nghề, tập nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; tay nghề, kỹ năng nghề; hội đồng phát triển kỹ năng nghề,…; (2) Các hình thức NSDLĐ thực hiện đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động như: Thành lập cơ sở GDNN trực thuộc; trực tiếp tổ chức thực hiện,….. đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, phối hợp với cơ sở GDNN thực hiện; (3) Quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ); các chính sách đối với NSDLĐ trong đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong BLLĐ; (4) Nội dung về quản lý nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong BLLĐ và những vấn đề mới chưa được quy định trong BLLĐ 2012.
Theo Tổng cục GDNN, Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này sẽ có nhiều điểm mới về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Theo đó, sẽ bổ sung 01 Điều quy định chính sách nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, cụ thể là: Phát triển GDNN theo hướng mở, liên thông tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tạo điều kiện cho NSDLĐ tham gia hoạt động GDNN; Nhà nước khuyến khích NSDLĐ có đủ điều kiện thành lập trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN, mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc; khuyến khích và tạo điều kiện cho NSDLĐ đầu tư đóng góp công sức, trí tuệ cho GDNN. Các khoản đầu tư, đóng góp, tài trợ của NSDLĐ và các khoản chi phí của NSDLĐ để mở cơ sở GDNN, lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc, phối hợp với các cơ sở GDNN, cử người đi đào tạo, tiếp thu công nghệ mới phục vụ cho mình là các khoản chi phí hợp lý, được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập DN.
Về đào tạo nghề và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, Dự thảo cũng làm rõ lựa chọn về ngành nghề và trình độ đào tạo theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam, bổ sung thêm quyền được tham gia đánh giá và được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Dự thảo cũng bổ sung quy định mới về Người dạy nghề theo hướng: Người dạy, hướng dẫn tập nghề tại cơ sở sử dụng lao động được tham gia đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN khác nhưng phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật GDNN; Trường hợp người hướng dẫn tập nghề là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao, nông dân sản xuất giỏi không nhất thiết phải có chứng chỉ kỹ năng dạy học.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định một số vấn đề mới như: Dự kiến lấy ngày 15/7 hằng năm là ngày Kỹ năng nghề Thanh niên Việt Nam; quy định NSDLĐ có trách nhiệm tham gia hội đồng phát triển kỹ năng nghề; bổ sung thêm nhiều quy định về Quyền của NSDLĐ như: Được thành lập trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, trung tâm kiểm định chất lượng GDNN; tham gia tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT và người học trong các cơ sở GDNN; tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và công cụ đánh giá kỹ năng nghề, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn thực tập; Phối hợp liên kết với các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên...
Đức Dương
TAG: