* PV: Chính sách BHXH, BHYT được xác định là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội (ASXH), tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Vậy cụ thể vai trò của chính sách này trong hệ thống ASXH như thế nào, thưa ông?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể thấy, qua 30 năm đổi mới, mô hình hệ thống ASXH ở nước ta đã từng bước định hình rõ và đến nay có sự tương thích, phù hợp với quan niệm về quyền ASXH trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng như quan niệm về ASXH của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thể hiện trong Công ước 102 về quy phạm tối thiểu.
Mô hình hệ thống ASXH được phát triển dựa trên cấu trúc chức năng, chiến lược phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Hiện nay, mô hình này đang hoàn thiện hơn, với mục tiêu cơ bản là bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông; từng bước góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Hệ thống ASXH là một hệ thống tổng hợp, gồm nhiều chế độ, chính sách. Trong đó, mỗi chế độ, chính sách đều có vai trò, chức năng và tạo ra một mạng lưới ASXH rộng khắp, bao trùm toàn bộ dân cư của một quốc gia. Hệ thống này có mục tiêu bảo vệ mọi thành viên trước những rủi ro và giữ gìn cuộc sống của họ qua những biện pháp thích hợp hay những quyền lợi hợp lý trước những biến động bất thường xảy ra hoặc trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt.
Trong hệ thống ASXH, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách ASXH, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
*PV: Như ông đã nói, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất của hệ thống ASXH. Vậy khi NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH, họ sẽ được hưởng những lợi ích gì?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho rằng, người dân, NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH sẽ được ổn định cuộc sống, được quỹ BHXH trợ giúp khi gặp rủi ro như: Ốm đau, TNLĐ-BNN, thất nghiệp để sớm trở lại trạng thái sức khoẻ ban đầu cũng như sớm có việc làm.
Chính sách BHXH được thực hiện theo phương thức NLĐ có việc làm, khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào quỹ BHXH. Khi ốm đau sẽ được đi KCB và được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; được nhận tiền trợ cấp khi ốm đau không thể đi làm được; được nghỉ chăm con ốm; được nghỉ khám thai, được nghỉ khi sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con; khi bị TNLĐ hoặc BNN dẫn đến suy giảm khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp. Khi NLĐ mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp; được giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Do vậy, hoạt động BHXH vừa đòi hỏi trách nhiệm cao của từng NLĐ đối với bản thân mình và cũng thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ kế tiếp nhau trong một quốc gia.
Tiếp đến, chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí đã góp phần ổn định cuộc sống của NLĐ khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Theo quy định của Luật BHXH, NLĐ tham gia đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, khi hết tuổi lao động hoặc mất sức lao động, thì được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng. Với nguồn lương hưu và trợ cấp BHXH, NLĐ khi hết tuổi lao động sẽ có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Chính sách BHXH, BHYT cũng góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng của NLĐ trong các thành phần kinh tế. BHXH hoạt động theo nguyên tắc “đóng- hưởng”, đã tạo ra bước đột phá quan trọng về sự bình đẳng của NLĐ trong chính sách BHXH, BHYT. NLĐ làm việc ở các thành phần kinh tế khác nhau đều được tham gia BHXH, BHYT. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng được mở rộng đã khuyến khích NLĐ tự giác tham gia BHXH, BHYT, tạo sự tin tưởng và yên tâm trong lao động.
*PV: Có ý kiến cho rằng, BHXH cũng là tiết kiệm. Vậy tại sao Nhà nước phải giao cho cơ quan BHXH quản lý?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Bản chất của BHXH là “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật, nhằm tạo cơ hội để NLĐ khi về hưu có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống và giảm bớt gánh nặng ASXH. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, khi tuổi thọ ngày càng tăng, người già ngày càng đông, nếu không tự lo được cuộc sống cho mình từ tiền lương hưu, thì gánh nặng đó sẽ “đổ” vào gia đình, xã hội.
Theo quy định của Luật BHXH, NLĐ tham gia BHXH sẽ đóng 8%, người SDLĐ đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nhà nước bắt buộc người SDLĐ phải góp phần vào việc đảm bảo tương lai cho NLĐ khi hết tuổi lao động hoặc khi không may gặp phải những biến cố bất lợi. Và đây chính là lợi ích của cả NLĐ và người SDLĐ.
Tuy nhiên, nếu không tham gia BHXH, thì NLĐ sẽ không được lấy khoản phí đóng của DN cho vào túi của mình, bởi khi đó DN sẽ phải đóng thuế thu nhập DN trên tổng số tiền này; còn nếu DN đóng vào quỹ BHXH, thì khoản này sẽ được tính vào chi phí quản lý của DN.
Trong những năm qua, mức lương hưu đã nhiều lần được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Mức lương hưu không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung toàn xã hội tại thời điểm hưởng lương hưu đã bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người nghỉ hưu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư số 42, một người đóng 1 triệu đồng tiền BHXH ở năm 1994, thì đến năm 2017 khi về hưu số tiền này sẽ được điều chỉnh thành 4,4 triệu đồng. Trong giai đoạn 2003- 2016, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu, với mức tăng từ 7,4- 9,2 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.
Ngoài ra, khi NLĐ về hưu còn được cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu không may ốm đau, người về hưu sẽ được quỹ BHYT thanh toán; thậm chí có trường hợp được quỹ thanh toán số tiền hàng tỉ đồng. Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết; thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời. Đặc biệt, trong lương hưu, chính sách BHYT cho người già mới là chính sách quan trọng, vì chi phí cho chăm sóc sức khoẻ người già lớn hơn rất nhiều so với chi phí ăn, ở, mặc và đi lại.
Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng- hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8- 10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm, thì rõ ràng quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng là rất lớn.
Cũng cùng là tiết kiệm, nhưng bản chất của đóng góp vào hệ thống BHXH rất nhân văn. Còn NLĐ gửi tiền tiết kiệm, thoạt nhìn có thể sinh lời hơn tham gia BHXH; song khi đồng tiền mất giá thì sẽ không được Nhà nước bù đắp… Như vậy, rõ ràng chúng ta không đem câu chuyện so sánh giữa việc gửi tiết kiệm với tham gia vào chính sách BHXH.
Vũ Thu