Thái Nguyên: Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả
(LĐXH) - Để thực hiện đạt mục tiêu năm 2024 giảm 2.710 hộ nghèo, với tỷ lệ giảm là 0,8%; 776 hộ cận nghèo, với tỷ lệ giảm 0,23%; giải quyết kịp thời mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Các hộ dân đến tại các trang trại, địa điểm cung cấp con giống để lựa chọn
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 46 mô hình, dự án/kế hoạch giảm nghèo. Hội đồng cấp tỉnh thẩm định 02 dự án liên kết. Điển hình như tại huyện Phú Lương, để việc triển khai các mô hình đa dạng sinh kế mang lại hiệu quả, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, các địa phương lập danh sách, tổ chức bình xét các đối tượng để hỗ trợ. Trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, huyện Phú Lương đã tổ chức cho các hộ dân được đến tận các trang trại, các địa điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn con giống cho gia đình mình. Từ đó, đảm bảo khách quan khâu chọn con giống và để phù hợp với quá trình nuôi của từng gia đình.
Trong quá trình nuôi, huyện đã cử cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ đối với các hộ nuôi, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như cách chăm sóc trâu khi giao mùa… Đồng thời, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Việc làm này đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. Từ nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng, giai đoạn 2022 – 2023 huyện đã triển khai 8 dự án hỗ trợ trâu bò, dê sinh sản, với tổng số 185 hộ dân nhận hỗ trợ. Năm 2024, huyện thực hiện 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tới 111 hộ tại xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành (trong đó có 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng).
Còn tại huyện Định Hóa, mô hình chăn nuôi bò sinh sản cũng đang được thực hiện có hiệu quả. Năm 2023, trên địa bàn toàn xã có 10 hộ dân thuộc hai xóm đặc biệt khó khăn là Khuôn Tát và Nạ Tẩm được hỗ trợ con giống và đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Mỗi hộ dân được nhận một con bò giống, trong đó Nhà nước hỗ trợ 95% và người dân đối ứng 5% tiền con giống. Cùng với triển khai đồng bộ từ chính sách đến mô hình thực tiễn, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Hóa so với đầu năm 2022 giảm từ 4.596 hộ (17,39%) xuống còn 1.432 hộ (5,42%); hộ cận nghèo giảm từ 3.922 hộ (14,84%) xuống còn 1.204 hộ (4,56%).
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc xây dựng dự án/kế hoạch hỗ trợ theo quy định của chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, có 09 dự án đăng ký thực hiện theo hình thức liên kết theo chuỗi giá trị nhưng đến tháng 6/2024, có 02 dự án mới được hội đồng thẩm định thông qua để chuyển sang thực hiện các bước tiếp theo; một số giống vật nuôi người dân có nhu cầu hỗ trợ nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật; cơ sở để tính toán đối ứng ngày công lao động, chuồng trại, công chăm sóc đối với một số vật nuôi hỗ trợ cho các hộ chưa có quy định cụ thể.
- Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều 0,8%. Hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết chiều thiếu hụt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.Tổng nguồn vốn dự kiến là 94,4 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 3,5 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 90,9 tỷ đồng./.
Thu Hương
TAG: