Như vậy, nếu trừ số hộ đã thực hiện thì toàn tỉnh còn tới 2.162 hộ nằm trong Đề án cần phải thực hiện trong năm 2020. Vậy nhưng, theo số liệu báo cáo của các địa phương, năm nay, số hộ nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà ở của toàn tỉnh chỉ là 160 hộ, tương ứng nguồn vốn vay là 4 tỷ đồng. Số còn lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không đăng ký thực hiện.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh - cơ quan quản lý nguồn vốn và thực hiện việc cho vay theo Quyết định 33: Có một số nguyên nhân chính khiến nhiều người thuộc diện được hỗ trợ vay vốn theo Đề án nhưng không mấy mặn mà đăng ký hỗ trợ. Thứ nhất là so với số tiền phải bỏ ra để xây nhà thì số tiền được vay tối đa không quá 25 triệu đồng còn thấp. Thứ hai là nhiều người quan niệm phải được tuổi mới làm nhà. Vì thế, dù nhiều người rất muốn vay nhưng vì đang trong tuổi “kiêng” làm việc lớn nên không đăng ký. Thứ ba là nhiều người mong muốn vào sự hỗ trợ cho không của các nhà hảo tâm hoặc từ một số những chương trình hỗ trợ của các hội, đoàn thể với mức cao hơn nên không muốn đăng ký vay nguồn vốn này…
Từ cuối tháng 2, nguồn vốn hỗ trợ làm nhà năm 2020 đã được NHCSXH Trung ương cấp cho địa phương, ngay sau đó, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSCH tỉnh đã ra quyết định phân bổ về cho các địa phương. Tuy nhiên, hiện mới có huyện Đại Từ giải ngân được 100 triệu đồng cho 4 hộ. Do vậy, để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn này năm nay, NHCSXH đã có công văn yêu cầu Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, thành, thị chủ động báo cáo với UBND, Ban đại diện NHCSXH cùng cấp và các phòng, ban có liên quan thực hiện việc hỗ trợ, giải ngân đúng đối tượng được thụ hưởng; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng có tên trong Đề án hỗ trợ để đăng ký hỗ trợ trong năm nay. Trên cơ sở này, NHCSXH tỉnh sẽ lập danh sách, đề xuất với NHCSXH Trung ương cấp kinh phí bổ sung, nhằm thực hiện mục tiêu mà Đề án đưa ra.
Theo Quyết định số 33, đối tượng được vay vốn là gia đình có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, do UBND cấp tỉnh phê duyệt và cung cấp cho NHCSXH. Trường hợp hộ nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách này đã thoát nghèo, thì vẫn được xem xét cho vay vốn để làm nhà ở theo hướng dẫn tại văn bản của NHCSXH. Hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn theo quy định sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ, tăng 17 triệu đồng so với mức giai đoạn 1 (theo Quyết định 167). Lãi suất cho vay là 3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay (3,9%/năm). Thời hạn cho vay 15 năm kể từ thời điểm hộ vay nhận nợ món vay đầu tiên, trong đó, thời gian ân hạn là 5 năm đầu. Trong thời gian ân hạn, hộ vay chưa phải trả nợ, trả lãi; hộ vay bắt đầu trả nợ, trả lãi tiền vay từ năm thứ 6 trở đi. Như vậy, thời hạn cho vay đã được tăng thêm 5 năm so với thời hạn cho vay 10 năm trong giai đoạn 1. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 10% tổng số vốn đã vay, đặc biệt hộ vay có thể trả nợ trước hạn. Cụ thể, hộ vay được trả nợ gốc trước hạn và trả lãi trong thời gian ân hạn.
Có thể nói, việc hỗ trợ vay vốn làm nhà theo Quyết định 33 là một chủ trương nhân văn của Đảng, Chính phủ nhằm giúp hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có điều kiện để làm nhà. Tuy nhiên, so với giá cả thực tế hiện nay thì mức vay này còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều hộ. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng mong muốn, với những hộ có tên trong Đề án của UBND tỉnh nhưng sau đó đã nhận hỗ trợ từ nguồn khác mà vẫn khó khăn trong việc hoàn thiện ngôi nhà như chưa có bếp hoặc chưa lát được nền thì vẫn nên cho các hộ được vay từ nguồn theo Quyết định 33 để giúp họ ổn định cuộc sống…
Việt Bắc