Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
“Tết cho trẻ em khuyết tật – mồ côi”
05:47 PM 06/01/2023
(LĐXH)- Ngày 6/1/2023, Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức chương trình “Tết cho trẻ khuyết tật - mồ côi”.
Chương trình đã trao tặng hơn 100 suất quà (gồm có quà, bánh và 1 triệu đồng tiền mặt) cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi thuộc các Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và một số học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ.
Thực hiện mục tiêu xã hội hóa việc bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật và trẻ mồ côi, những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực hưởng ứng phong trào “tương thân, tương ái” giúp đỡ người khuyết tật, mồ côi vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Ban Tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi trên địa bàn huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn
Chương trình "Vì An Sinh Việt Nam” với chủ đề “Tết cho trẻ khuyết tật – mồ côi” được tổ chức thường niên, hướng về các đối tượng người khuyết tật và trẻ em mồ côi, những em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi, nhưng đã và đang cố gắng vượt lên số phận. Chương trình mong muốn đem lại sự ấm áp, sẻ chia, để các em có một cái Tết thật nhiều niềm vui, ấm no bên gia đình và người thân, khi Tết Cổ truyền của dân tộc năm 2023 đang đến gần .
Phát biểu Lễ trao quà, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, cho biết: Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam do Chính phủ thành lập, đến nay đã được 30 năm. Tôn chỉ, mục đích xuyên suốt của Hội là thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước để kết nối các tấm lòng, những nhà tài trợ, nhà hảo tâm, mạnh thường quân để hỗ trợ giúp đỡ những người khuyết tật, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Đặng An Bình phát biểu cảm ơn các đơn vị và mạnh thường quân
“Trong 30 năm ấy, Hội đã vận động được nguồn lực khá đáng kể. Cụ thể, trong vòng 30 năm, số tiền Hội vận động được là khoảng 5.500 tỷ đồng và đã trợ giúp cho được khoảng 35 triệu lượt đối tượng. Riêng trong năm 2022, với sự tham gia của nhiều nhà hoạt động, kết quả vận động của Hội đạt 559 tỷ đồng, trợ giúp cho được hơn 2 triệu lượt đối tượng” - Phó Chủ tịch Đỗ Mạnh Hùng, thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch Đỗ Mạnh Hùng: Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, song vẫn còn nhiều mảnh đời cần sự trợ giúp. Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, đạo lý “Lá lành đùm lá rách” đã được nâng tầm lên thành chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngày nay, hoạt động từ thiện đã không còn là trợ giúp đơn thuần, mà còn bao hàm việc đảm bảo quyền lợi theo pháp luật cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi.
Trong chuỗi các hoạt động của chương trình Chương trình "Vì An Sinh Việt Nam” với chủ đề “Tết cho trẻ khuyết tật - mồ côi”, Phó Chủ tịch Đỗ Mạnh Hùng mong muốn sẽ lan tỏa hơn nữa những giá trị nhân văn để có thể giúp đỡ, hỗ trợ thêm nhiều người khuyết tật, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng quà cho trẻ khuyết tật
Tại buổi Lễ, thầy giáo Đặng An Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ khuyết tật, mồ côi, đặc biệt là đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã phối hợp với Ban Tổ chức chương trình “Vì an sinh Việt Nam” với chủ đề “Tết cho trẻ em khuyết tật – mồ côi” để tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chia sẻ với các em những thiệt thòi, động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống, hòa nhập chung với bạn bè, xã hội và được thể hiện ước mơ của mình, chăm chỉ học tập để trở thành những hạt giống ươm mầm xanh cho đất nước.
Hiệu trưởng Đặng An Bình trao quà Tết cho trẻ khuyết tật
“Những món quà tuy không lớn nhưng với sự quan tâm đặc biệt này, Ban Tổ chức cũng như nhà trường, các thầy cô giáo mong các em cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh để đạt được những thành tích trong học tập và tu dưỡng đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, các em học sinh được quan tâm tặng quà, trân trọng cảm ơn Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Ban tổ chức chương trình “Vì an sinh Việt Nam’, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đóng góp những món quà cả về vật chất lẫn tinh thần góp phần động viên, khích lệ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống” – Hiệu trưởng Đặng An Bình, phát biểu.
Tham dự buổi lễ trao quà, Thầy Thích Như Lâm, Mái Ấm tình Thương tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: Chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến những nỗ lực vươn lên hoàn cảnh của các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ và các em học sinh khuyết tật, mồ côi cha mẹ thuộc các Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Sóc Sơn đến nhận quà
Em Vương Ngọc Thanh, học sinh lớp 7H trường THCS Trung Dã (huyện Sóc Sơn), chia sẻ: Em mồ côi cha từ bé. Hôm nay, em rất vui khi nhận được phần quà của Ban Tổ chức. Tuy thiếu đi một người dạy dỗ bảo ban, nhưng bù lại em được rất nhiều người quan tâm, chia sẻ và đặc biệt với phần quà này, em thấy bản thân vẫn rất may mắn và mong muốn những hoàn cảnh khó khăn tương tự cũng sẽ được quan tâm như trường hợp của bản thân mình.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, em Đồng Thanh Phượng, sinh viên Khóa 14, chuyên ngành Kế toán, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cho biết mình mô côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống vốn khó khăn, sau khi từ Thái Nguyên lên Hà Nội nhập học, trở thành sinh viên nhà trường, em đã được các thầy cô tận tâm chỉ bảo, quan tâm chăm sóc, bạn bè hòa đồng, hỗ trợ để em có một thời sinh viên đáng nhớ. Phượng cảm thấy vừa bồi hồi nhưng cũng  rất vui khi được nhận phần quà của Ban Tổ chức, giúp em có một cái tết đầy đủ.
Món quà Tết tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần động viên, khích lệ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống
Tại buổi lễ, có nhiều em khuyết tật nặng không thể tự mình tới nhận quà mà chỉ có phụ huynh đại diện tới nhận, anh Nguyễn Hồng Thăng (xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh) là một trong số đó. Anh Nguyễn Hồng Thăng cho biết mình có 2 người con, một em sinh năm 2011 và một em sinh năm 2014. Người con thứ hiện đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nam Hồng, còn người con trai cả bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh, em tên là Nguyễn Kiến Huy. Do câm điếc bẩm sinh nên hiện tại Huy chưa thể đi học, em vẫn được bố mẹ chăm sóc tại nhà. Hôm nay, được nhận phần quà của Ban Tổ chức, gia đình tôi rất cảm động và sự biết ơn đối với các cơ quan, đoàn thể, mạnh thường quân và toàn xã hội đã quan tâm, chăm sóc và đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật.
Chương trình " Vì an sinh Việt Nam" là chuỗi những hoạt động tuyên truyền, vận động xã hội, kết nối trái tim với trái tim và được triển khai sâu rộng trên toàn quốc, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đối với công tác dân sinh; làm sâu sắc, truyền tải hơn nữa, các thông điệp sống và giá trị truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc, trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó thúc đẩy phong trào thi đua làm nhiều việc thiện trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực tại địa phương, hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Chí Tâm

 

TAG: \"Vì An Sinh Việt Nam” Tết cho trẻ khuyết tật mồ côi”
Tin khác
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
 Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
Ninh Thuận phấn đấu để người có công có mức sống ổn định so với cộng đồng
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Châu
Phát triển các hoạt động nhân văn trên cơ sở tiếp nối những truyền thống hào hùng
Hỗ trợ người bán dâm có cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội…
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng