Ông Lâm Văn Lành - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Nhằm để định hướng, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Tây Sơn, trong những năm qua Phòng LĐ,TB&XH huyện đã kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện ban hành nhiều văn bản tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác an sinh xã hội như giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất kinh doanh ưu đãi. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ các cấp, các chương trình mục tiêu giảm nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng nhà ở, vốn nước sạch… đến kịp tới người dân được hưởng lợi. Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó công tác giảm nghèo hàng năm của huyện giảm theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó hàng năm bình quân hộ nghèo giảm 2,06% trở lên. Hiện nay, hộ nghèo của huyện là 4,99%, đạt tiêu chí hộ nghèo của huyện nông thôn mới".
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm qua được huyện Tây Sơn thực hiện hiệu quả với sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng và phát động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. Đặc biệt, huyện tập trung nguồn lực, chủ động triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội giảm nghèo theo quy định của Trung ương, của tỉnh, như: tín dụng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý, nhà ở… Trong đó, chương trình vay vốn tín dụng được đánh giá là chính sách an sinh có nhiều ưu điểm nhất, đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức đưa kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Từ năm 2016 đến 2019, NHCSXH huyện đã thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho trên 1.557 hộ nghèo với doanh số cho vay gần 64,3 tỷ đồng; 1.679 hộ cận nghèo với doanh số cho vay trên 74,5 tỷ đồng và 1.881 hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay trên 88,6 tỷ đồng... Chính sách vay vốn tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên trong cuộc sống.
Tiêu biểu như gia đình chị Đinh Thị Den, làng Kon Mon, xã Vĩnh An, vốn dĩ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống sẽ mãi quanh quẩn với cái đói nghèo nếu không có các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ. Chị Đinh Thị Den cho biết: "Nhờ các nguồn vốn vay nhiều đợt mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Cứ vay làm ăn có trả hết nợ, lại vay để làm nhiều hơn, cứ vậy mà giờ gia đình tôi có của ăn, của để. Hiện nay, gia đình đã có 3 ha cây keo, 12 con bò, 3 sào ruộng. Ngoài việc trồng keo, chăn nuôi bò, gia đình còn trồng bắp, chuối, mì, đu đủ… để có thu nhập thêm chi sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học. Từ tiền bán bò và thu hoạch từ rừng trồng và tiền tích lũy được, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà lợp ngói kiên cố, có tường rào cổng ngõ và có nhà vệ sinh đạt chuẩn, mua được xe máy, tivi, tủ lạnh và các đồ dùng sinh hoạt khác".
Tương tự, gia đình anh Hồ Thái Phiên, thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân trước đây vốn thuộc diện hộ nghèo; sau hơn 12 năm, kể từ lần đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, từ nuôi bò, nuôi heo, nuôi vịt… đến nay, gia đình anh Phiên không chỉ thoát được nghèo mà còn xây dựng cho mình một cơ ngơi mà không phải người nông dân nào cũng có được, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí gần 200 triệu đồng/năm. Anh Phiên chia sẻ: "Vào thời điểm gia đình khó khăn nhất, thì những đồng vốn đầu tư ban đầu của gia đình đều là vốn của Ngân hàng CSXH, nếu không có nguồn vốn vay này, thì kinh tế gia đình cũng khó có được như ngày hôm nay".
Phải "an cư" mới tính chuyện "lạc nghiệp", chính vì thế mà vấn đề hỗ trợ nhà ở được các cấp, các ngành trong huyện không ngừng quan quan tâm. Với phương châm "Hộ gia đình thực hiện xây dựng, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ", Ủy ban MTTQVN huyện đã huy động các nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để người nghèo có động lực sửa chữa, xây mới nhà ở. Từ năm 2016 đến 2019, từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ Cứu trợ, Ủy ban MTTQVN huyện đã hỗ trợ xây dựng 115 nhà cho người nghèo, tổng trị giá 4,4 tỷ đồng. Thực hiện theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo, UBND huyện đã xây dựng 83/380 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ 88 triệu đồng xây dựng 140 hộ nhà ở cho hộ nghèo phòng tránh bão lụt; hỗ trợ tiền điện trên 8,4 tỷ đồng cho 14.450 hộ nghèo thiếu hụt thu nhập…
Nhờ nguồn hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội trong những năm qua đã tiếp thêm động lực cho nhiều hộ nghèo như chị Nguyễn Oanh Thúy ở thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh tiếp tục gồng gánh, vượt qua khó khăn nuôi 2 đứa con ăn học và một người chồng bị tai biến nằm một chỗ; mới đây được Trường Sỹ quan lục quân 2 hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà che mưa, che nắng cho gia đình; chị Thúy vui mừng, xúc động nói: Không có chương trình hỗ trợ này gia đình 4 người nhà tôi không biết bao giờ có nhà ở, tiền trả vay trả chữa bệnh cho chồng chưa trả hết; giờ có một mình tôi lo cho 4 miệng ăn, thuốc than bệnh tật, khó đủ đường. Nhưng cũng nhờ có ít tiền trợ cấp bệnh tật mỗi tháng gần 800.000 đồng, rồi con đi học miễn giảm học phí nên gia đình tôi mừng lắm. Chỉ biết cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức tài trợ".
Có thể nói, các chính sách an sinh xã hội dành cho hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn được huyện Tây Sơn thực hiện công khai, dân chủ và hợp lòng dân, có nhiều tác động tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân, góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo của huyện. Nhờ đó, từ năm 2015 đến cuối năm 2019, huyện Tây Sơn giảm 4.494 hộ nghèo (giảm 12, 22%). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 là 1.962 hộ (chiếm tỷ lệ 4,99%). Đạt tiêu chí hộ nghèo của huyện nông thôn mới./.
Nguyệt Ánh