An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tây Ninh tập trung thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội
10:38 AM 28/03/2023
(LĐXH)-Năm 2023, tỉnh Tây Ninh phấn đấu tạo điều kiện giải quyết việc làm tăng thêm đạt 16.000 lao động. Trong đó, lao động được tạo việc làm trong nước là 15.700 lao động; xuất khẩu 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 1,4% và khu vực nông thôn đạt 1,8%.
Cùng với đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu trong năm nay đạt tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 73%. Tuyển, sinh đào tạo nghề đạt 13.344 người, trong đó, hệ cao đẳng nghề 245 người, hệ trung cấp nghề 2.055 người, hệ sơ cấp nghề 8.050 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.994 người. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm từ 0,15-0,2% và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Theo đó, ngay từ đầu năm, tỉnh Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.
Hình thành và hỗ trợ các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà là giải pháp giúp người dân Tây Ninh tăng giá trị đầu tư, nâng cao thu nhập, ổn định việc làm và thoát nghèo
Đặc biệt để thực hiện các mục tiêu về xã hội, trong đó có mục tiêu về giải quyết việc làm, tỉnh triển khai Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 09/02/2023 của UBND tỉnh về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, học nghề và các dịch vụ cung ứng, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tổ chức cập nhật thông tin thị trường lao động.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư về “thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam”. Thực hiện đúng các quy định, quy trình cấp phép cho lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong sử dụng lao động người nước ngoài cũng như công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh nhà. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn các doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ người lao động về nước tìm kiếm việc làm phù hợp nhu cầu, nghề nghiệp và phát huy kỹ năng tích lũy được ở nước ngoài. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Tỉnh cũng tập trung triển khai Kế hoạch số 389/KH-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ  Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn năm 2023; Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2023-2025. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc chấp hành chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức thẩm định, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu của ngành phụ trách đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 là: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định. Ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023; Quyết định phê duyệt đối tượng thuộc hộ nghèo không khả năng thoát nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc người khuyết tật. Đẩy mạnh xã hội hóa về trợ giúp xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực triển khai thực hiện trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em một cách đồng bộ để nâng cao năng lực và hiệu quả bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em, ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em; giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương; trợ giúp kịp thời cho trẻ em rơi hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng
Tây Ninh cũng tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo pháp lệnh mới. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (sau khi Sở Xây dựng hoàn chỉnh bản thiết kế và dự toán xây dựng mẫu nhà ở hỗ trợ người có công theo nội dung kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 1291-TB/VPTU ngày 13/02/2023 về thiết kế và dự toán xây dựng mẫu nhà ở hỗ trợ người có công với cách mạng, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: mức hỗ trợ xây mới 160 triệu đồng/căn; mức hỗ trợ sửa chữa: không vượt quá 75 triệu đồng/căn).
Tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người có công từ các nguồn lực của xã hội. Phân bổ kinh phí điều dưỡng tại gia đình cho các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức điều dưỡng tập trung cho người có công năm 2023.
Duy trì 94/94 xã, phường, thị trấn đạt 6 tiêu chuẩn xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công (đạt tỷ lệ 100%). Nâng cao mức sống cho gia đình chính sách, không để phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công trong năm 2023.
Về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội và bình đẳng giới, tỉnh thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật Trung ương, địa phương về công tác quản lý nhà nước tại Cơ sở cai nghiện ma túy đảm bảo đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm, tăng cường công tác kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội; thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đảm bảo theo quy định.
Triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 và các nội dung về bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia Chương giai đoạn 2021-2025.

Nhìn chung, ngay từ đầu năm 2023, các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, tạo đà cho các năm tiếp theo./.

 

Mỹ Hạnh

TAG: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tây Ninh
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa