Ông Trần Ngọc Sơn – Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu khai mạc buổi tập huấn
Tham dự buổi tập huấn có lãnh đạo lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo sở LĐ-TB&XH; đại diện LHQ tại Việt Nam cùng các học viên làm công tác giảm nghèo tại các quận, huyện trên đại bàn thành phố.
Theo báo cáo, từ năm 1992-2015, Chương trình giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm 4 giai đoạn (1992-2003; 2004-2008; 2009-2013; 2014-2015). Kết quả đã hỗ trợ cho hơn 150.000 hộ nghèo, vượt được mức chuẩn nghèo bình quân thu nhập 16 triệu đồng/người/năm; giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội của thành phố. Ngoài ra, mức thụ hưởng các nhu cầu cơ bản thiết yếu của đời sống người nghèo, hộ nghèo cũng từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn hạn chế như mức thu nhập của hộ chuẩn nghèo thấp so với mức sống tối thiểu và chỉ khoảng 1/3 mức thu nhập bình quân của người dân thành phố. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp tuy có giảm (4 lần) nhưng cũng còn khá cao, hiệu quả giảm nghèo chưa thực sự căn cơ bền vững và tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo.
Phát biểu tại khai mạc buổi tập huấn, ông Trần Ngọc Sơn – Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: Năm 2017, chỉ tiêu thành phố giao cho ngành Lao động - TBXH về giảm nghèo bền vững là giảm 1,2% hộ nghèo và đến thời điểm này đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đây là một kết quả rất đáng khích lệ, để năm 2018 cơ bản chúng ta không còn hộ nghèo.
Bà Nguyễn Bùi Linh – Đại diện Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam trình bày tham luận về nghèo đa chiều.
Để đạt được mục tiêu này, một trong những hoạt động là cần tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức về giảm nghèo đa chiều. Buổi tập huấn này nhằm mục đích để tất cả các anh chị trực tiếp làm công tác giảm nghèo sẽ có buổi học tập, trao đổi những kinh nghiệm mà mình đang làm việc, đồng thời thảo luận, hỏi đáp về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để các chuyên gia giải đáp cũng như cung cấp các phương pháp tiếp cận mới”.
Cũng tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Bùi Linh – Đại diện Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam cũng đã có bài thảo luận về nghèo đa chiều và tình hình áp dụng nghèo đa chiều trên thế giới và Việt Nam. Theo bà Linh, TP.HCM vẫn còn bất cập trong giảm nghèo như: Bỏ sót đối tượng; Chính sách chưa phù hợp với chức năng; Nghèo thu nhập ăn sâu trong nhận thức cán bộ và dân cư và giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Tại buổi tập huấn các học viên cũng được lắng nghe các bài tham luận và báo cáo kinh nghiệm được thực hiện ở một số quận,huyện trên địa bàn thành phố.
Được biết, Chương trình tập huấn về đào tạo kiến thức về phương pháp giảm nghèo đa chiều và kinh nghiệm áp dụng tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 12-13/12 năm 2017.
Lê Việt