Tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
(LĐXH) – Ngày 03/11/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 khu vực phía Bắc tại tỉnh Hà Giang.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTBXH và 13 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ LĐTBXH đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình. Đến nay, toàn bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã được ban hành đầy đủ. Các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được hoàn thành theo tiến độ.
Các địa phương cũng đã chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, trình UBND ban hành kế hoạch và các văn bản tổ chức triển khai thực hiện. Đa số các địa phương đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên, cũng còn một số địa phương còn đang thực hiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền. Hiện nay, 48/48 địa phương nhận phân bổ từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Các địa phương tự cân đối ngân sách đã chủ động bố trí kinh phí thực hiện Chương trình ngay từ đầu năm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Đến nay, công tác giao vốn, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ở cấp trung ương đến nay đã hoàn thành. Việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến người dân hiện chủ yếu là trách nhiệm của các địa phương. Trong quá trình thực hiện Chương trình, qua kết quả kiểm tra, giám sát thực địa của Bộ LĐTBXH cho thấy, hiện còn nhiều địa phương chưa hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình (theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) như: (1) quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; (3) ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; (4) nhiều địa phương đề xuất danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu và đối tượng của Chương trình.
Để triển khai Chương trình hiệu quả, kịp tiến độ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, các Bộ tập trung hướng dẫn các địa phương về các điểm mới của Chương trình; cơ chế quản lý, điều hành, thực hiện Chương trình, cơ chế tài chính, kiểm tra, giám sát; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các đại diện đến từ các địa phương cần trao đổi, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình. Đối với các vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình, đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổng hợp đầy đủ, báo cáo Bộ tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo tháo gỡ.
hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo. Hy vọng thời gian tới, Bộ LĐTBXH tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Hà Giang trong các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phát triển các tổ, hợp tác xã cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; tổ, nhóm hợp tác, nhóm sở thích hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất bền vững; khai thác tốt các thế mạnh của địa phương...
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương được đại diện các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể, từng bước để triển khai Chương trình, đồng thời thảo luận, đưa ra những vướng mắc mà địa phương gặp phải trong thời gian qua để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, giúp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội./.
Hà Giang
TAG: