Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
(LĐXH) - Ngày 14.9.2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn Nghiệp vụ công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Tham dự và chủ trì buổi tập huấn, có bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ.
Cùng dự, còn có ông Trịnh Minh Chí – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ và các đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị trực thuộc Bộ và công chức, viên chức làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong thời đại ngày nay, vấn đề bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội thực sự là vấn đề toàn cầu. Việc nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ, số lượng phụ nữ tham gia vào các cơ quan quyền lực cũng như trong các hoạt động kinh tế, xã hội được xem là một tiêu chí để đánh giá về chất lượng cuộc sống, về phát triển và văn minh của mỗi quốc gia. Liên Hợp quốc đã đưa ra mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ là một trong 17 ưu tiên trong mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030. Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá- xã hội, khoa học – công nghệ, xây dựng Đảng, chính quyền và hợp tác quốc tế. Chẳng hạn như, tại Việt Nam, chỉ số các chủ doanh nghiệp là nữ của Việt Nam được xếp đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ hơn 26% đại biểu Quốc hội là nữ cũng được đánh giá là chỉ số cao so với một số nước, tỷ lệ 48% lao động nữ của nước ta, trong đó có 80% chị em đang làm chủ gia đình ở nông thôn cũng là một chỉ số tích cực...
Các đại biểu tham dự hội nghị
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị và cộng đồng, trong các năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều chính sách, kế hoạch và các giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước, nâng cao quyền bình đẳng của phụ nữ, khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành TW Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Năm nay, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã sửa đổi chiến lược này, trong đó bổ sung, tăng cường các giải pháp để thực hiện tốt hơn chiến lược này, cụ thể là các giải pháp về phát triển phụ nữ tham chính, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, lao động, việc làm, văn hóa, gia đình và y tế.
Thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, bước đầu đã lồng ghép có hiệu quả với hoạt động chuyên môn của đơn vị. Các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của đơn vị theo sát các nhóm chỉ tiêu đối với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và đề xuất được các giải pháp khả thi. Việc tuyên tuyền, phổ biến nội dung về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tới đội ngũ lãnh đạo đơn vị và công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên thông qua việc phối hợp với các lớp tập huấn chuyên môn, phát tờ rơi. Về cơ bản, các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị đã bám sát kế hoạch hoạt động, được thực hiện tương đối toàn diện. Công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ trong năm qua đã từng bước được nâng lên, góp phần khẳng định cũng như nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong công việc gia đình và xã hội.
Tham dự lớp tập huấn, các đại biểu được nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Ủy Ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ; các quy định về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ; các thông tin, kiến thức liên quan đến công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được tập huấn về các kỹ năng, kiến thức để giúp đội ngũ công chức, viên chức làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị tự tin hơn trong quá trình xây dựng, triển khai các hoạt động tại đơn vị, cụ thể như: kỹ năng xây dựng Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ cho đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; Kỹ năng thu thập và sử dụng số liệu thống kê giới trong lĩnh vực lao động – xã hội. Sau khi lĩnh hội các kiến thức, phương pháp và kỹ năng hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, lớp tập huấn được chia ra các nhóm để thực hành kỹ năng, sau đó trình bày kết quả bài tập thực hành.
Tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Hà chỉ đạo: trên cơ sở những thành tựu và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn để lãnh đạo đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nhận thức rõ hơn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Đội ngũ làm công tác này cũng cần nghiên cứu và nắm được các quy định, kế hoạch, chương trình và chính sách, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và bộ, ngành về lĩnh vực bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ đang ban hành để triển khai thực hiện cho sát và hiệu quả. Các Cục, Vụ cần chỉ đạo đơn vị mình và các Sở phối hợp với Vụ Bình đẳng giới để lồng ghép vấn đề giới vào việc xây dựng các chính sách liên quan đến lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, xã hội.
Lớp tập huấn cũng cần nâng cao về mặt kỹ năng, tạo điều kiện để chị em chia sẻ những công việc chị em đang làm, thách thức, khó khăn, thuận lợi, hướng giải pháp sắp tới trong hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của đơn vị mình. Lớp tập huấn cần cung cấp đủ tài liệu, thông tin, giữ liệu, các giảng viên vừa truyền đạt kiến thức vừa cùng chia sẻ để các đại biểu có thể vừa nghiên cứu, tìm hiểu và có thể tham gia trao đổi, chia sẻ, bày tỏ được những quan điểm, những thuận lợi, khó khăn và thậm chí chị em còn đề xuất những giải pháp cho đồng chí Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ từ đó sẽ có những tham mưu cho lãnh đạo Bộ đối với lĩnh vực này trong thời gian tiếp theo. Thứ trưởng cũng mong rằng, sau lớp tập huấn này, chị em sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm, tri thức, áp dụng các kiến thức đã được tập huấn vào thực tiễn công việc để cùng nhau giải quyết, tham mưu công việc hằng ngày đối với nhà quản lý lãnh đạo của mình, đóng góp cho sự phát triển của chính chúng ta nói riêng và công việc bình đẳng giới nói chung./.
Mỹ Hạnh
TIN LIÊN QUAN
TAG: