Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chương trình đầu tư cho vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện đã được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Theo đó, Chương trình 135 giai đoạn 2013-2017 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 15.084 hộ dân ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu sô huyện Minh Hóa với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 10 tỷ đồng; Chương trình 30a giai đoạn 2008-2020 với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2013-2017, thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, 140.000 lượt đồng bào đã được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, cây lương thực và giống gia súc, gia cầm với trị giá 14 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Quyết định 755/QĐ-TTg, đồng bào dân tộc ở đây cũng được hỗ trợ 14,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, từ các chương trình, dự án vùng miền núi, đồng bào đã được hỗ trợ số tiền trên 8,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo sinh kế…
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa đã được đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống... Đến nay, 100% xã, thôn đã có điện, trong đó có 6 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản không có hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, địa phương đã bảo đảm được cho bình quân mỗi hộ gia đình có khoảng 1,3ha đất sản xuất. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi các cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ đồng bào trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phát triển kinh tế rừng, đầu tư các trang trại chăn nuôi những mặt hàng đặc sản, tạo nguồn hàng hóa có giá trị cao để nâng cao thu nhập, nhờ vậy góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Có được những kết quả trên, ngoài sự hỗ trợ từ những chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền địa phương cũng đã xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nghèo và phân công nhiệm vụ tới từng thôn, bản, theo từng năm. Đồng thời, các tổ chức hội, đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã thực hiện tốt vai trò ủy thác vay vốn tín dụng, tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, đặc biệt là các hộ nghèo. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo, địa phương đã khuyến khích bà con chung tay, tự bỏ thêm tiền của gia đình để đầu tư mua cây, con giống. Qua đó đồng bào dân tộc sẽ dần ý thức được phải tự vươn lên thoát nghèo, tự chịu trách nhiệm với đồng vốn mình đã bỏ ra, tránh trông chờ ỷ lại chính sách của Nhà nước. Đây được xem là một trong những giải pháp giảm nghèo hữu hiệu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở Minh Hóa nói riêng./.
Trần Huyền