Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Tăng độ bao phủ an sinh xã hội để giảm thiểu lao động trẻ em
03:05 PM 20/06/2022
LĐXH - Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (ngày 12/6), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững.

Hoạt động ý nghĩa này cũng diễn ra trong thời điểm cả nước tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em 2022 – đây là dịp cao điểm để cả cộng đồng dành sự  quan tâm chăm lo cho trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà  phát biểu khai mạc

“Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.

Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây, có 3 nguyên nhân chủ yếu của lao động trẻ em. Trước hết là do hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương; do nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai. Thời gian qua, đại dịch COVID-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy, một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm: Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên…

Đặc biệt, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2021. Chương trình được xây dựng dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, chương trình có ba mục tiêu cốt lõi: ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật và hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; và nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn và hỏi đáp về các nội dung liên quan đến lao động trẻ em

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động khẩn cấp đươc triển khai nhằm hạn chế các nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch COVID-19 thông qua đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO/Bộ Lao động Hoa kỳ, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức một cách phù hợp; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp. Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7 - quan hệ đối tác nhiều bên nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8.7. Do đó, Chương trình cũng đóng góp và thực hiện lộ trình của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu SDG 8.7.

Giám đốc ILO tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong nỗ lực xoá bỏ lao động trẻ em thời gian qua

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội. Mọi nỗ lực để lao động trẻ em trở thành một cấu phần không thể thiếu trong các chương trình, hoạt động của các bên liên quan. Giám đốc ILO cũng chỉ ra rằng để đảm bảo các hộ gia đình giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động COVID-19 dẫn đến gia tăng lao động trẻ em, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn cần được ưu tiên đồng thời cần tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển sinh kế và an sinh xã hội là những giải pháp chủ chốt.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ các kết quả và thông điệp của Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xoá bỏ lao động trẻ em và Lời kêu gọi hành động Durban về xoá bỏ lao động trẻ em. Kêu gọi Hành động Durban được đưa ra khi chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu xóa bỏ tất cả lao động trẻ em vào năm 2025 và chỉ còn 8 năm để xóa bỏ lao động cưỡng bức vào năm 2030, như được nêu trong Mục tiêu 8.7 của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Theo đó, các cam kết trong 6 lĩnh vực khác nhau, bao gồm: Đảm bảo việc làm thoả đáng cho mọi người; Chấm dứt lao động trẻ em trong nông nghiệp; Tăng cường phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em; Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em; Đảm bảo an sinh xã hội toàn dân; Tăng cường tài trợ và hợp tác quốc tế để xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.

Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH chụp ảnh lưu niệm cùng các đối tác quốc tế tại Việt Nam

Trong khuôn khổ hội thảo các bộ ngành, địa phương, các tổ chức cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức và xác định các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về xóa bỏ lao động trẻ em - SDG 8.7 trong bối cảnh COVID-19; xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, tăng cường sự hợp tác, phối hợp liên ngành để làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo