Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, các địa phương và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.
TS. Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ Học viện CTQGHCM góp ý về các chỉ tiêu tại dự thảo Chiến lược QG BĐG giai đoạn 2021-2030
Được biết, giai đoạn vừa qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai pháp luật, chính sách về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng, từ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho đến Hiến pháp, các đạo luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020. Nhiều thành tựu nổi bật về bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, trong đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã có những điểm sáng nổi bật như: lần đầu tiên có 03 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (chiếm tỉ lệ 15,78%). Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 27, 31%, tăng 3,11% so với khóa XIII và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 71/ 193 quốc gia, cao hơn mức trung bình của thể giới là 25%. Tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ 2010 - 2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.
Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiếm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ.
Cùng với đó, khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Bà Trần Bích Loan, Vụ phó Vụ BĐG, Bộ LĐTBXH trình bày dự thảo Chiến lược quốc gia BĐG 2021-2030
Chính vì vậy, Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị” sẽ là diễn đàn để các đại biểu thảo luận cởi mở về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung, sự tham gia của phụ nữ trong các cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước nói riêng; những khó khăn, thách thức và nguyên nhân; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Từ đó, tham vấn, góp ý sâu cho các chỉ tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng gíới trong lĩnh vực chính trị được nêu trong dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Theo T.S Lương Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn chung, toàn bộ các chỉ tiêu trong Dự thảo Chiến lược quốc gia bình đẳng giới 2021-2030 đều thấp hơn các chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 11 (2007) và trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Bà Hiền cũng bày tỏ quan điểm mong nhận được các phân tích của Ban Soạn thảo các căn cứ lý luận, chính trị và thực tiễn đề xuất các chỉ tiêu thấp hơn trên.
"Quan điểm tiếp cận của tác giả là hệ thống chỉ tiêu được công ước CEDAW coi là một biện pháp tích cực, tạm thời để giảm khoảng cách giới ở những lĩnh vực còn khoảng cách lớn. Việt Nam đang đối diện với khoảng cách giới lớn trong lĩnh vực chính trị (thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) nên bản chất các chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một biện pháp tích cực tạm thời nhằm giúp Việt Nam phấn đấu thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực này. Việc đưa ra chỉ tiêu thấp sẽ không giúp được việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị", bà Hiền cho biết thêm./.
Hà Giang