Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
(LĐXH)- Đó là nội dung cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 29/8/2023 tại Hà Nội.
Xung đột Nga và Ukraina, tác động hậu dịch COVID-19 gây ra đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,... trước khó khăn tác động từ bối cảnh thế giới, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực đạt kết quả khá.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Bên cạnh những thành tích đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.
Theo ban tổ chức, quý I năm 2023 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung - đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66%.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng đa dạng với nhiều thị trường lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Các ý kiến tạo Tọa đàm cũng cho thấy những thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam như, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Tổ chức sản xuất chuyển đổi chậm, vẫn chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ (9,1 triệu hộ nông dân), thiếu bền vững khi xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn khá phổ biến. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế chiếm chủ yếu, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại so với nhiều nước khác. Năng lực chủ động và khả năng thương thuyết trong thương mại quốc tế, năng lực phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải không đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Việt Nam thiếu các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu. Các trung tâm logistics kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng đúng mức.
Trong các tham luận tại Tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành nhằm tăng khả năng phát triển, năng lực cạnh tranh và việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp. Đồng thời đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng giá trị xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có lợi thế hơn trong thương mại, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và đối tác, giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực toàn vùng. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản.
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, góp phần vào phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam./.
Thảo Lan