Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tăng cường hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc
06:56 PM 26/07/2018
(LĐXH)- Chiều 26/7, tại trụ sở Bộ Lao động – TBXH, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã có buổi tiếp ông Hiroaki Tabata, Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhằm trao đổi về tình hình triển khai đưa người lao động, thực tập sinh Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản. Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Quang cảnh buổi tiếp ông Hiroaki Tabata, Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, cho biết: Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưu thích. Tổng số thực tập sinh Việt Nam hiện đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126 nghìn người. Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hàng năm và số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, trong đó có nội dung triển khai các khóa đào tạo thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Đến nay, Việt Nam đã tổ chức 6 khóa đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản với số lượng xuất cảnh 892 người. Các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, vì số lượng thi lấy chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực điều dưỡng đều đạt trên 80% - 90%, cao hơn so với Philippines và Indonesia, thường chỉ đỗ khoảng 30% - 40%.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp  trao đổi về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản
Tuy đã đạt những kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên xung quanh vấn đề hợp tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, vướng mắc lớn nhất trong việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, thậm chí cao nhất trong số các nước cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Tình trạng đoàn thể tiếp nhận thông qua môi giới trung gian để ký kết hợp đồng tiếp nhận thực tập sinh với doanh nghiệp phái cử vẫn diễn ra gây phát sinh thêm nhiều chi phí cho thực tập sinh. Việc xem xét hồ sơ xin tư cách lưu trú cho thực tập sinh đã bị kéo dài hơn so với trước đây. Tại Nhật Bản vẫn tồn tại nhiều cơ sở tiếp nhận và đội ngũ môi giới lao động bất hợp pháp; nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã thực hiện việc phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản nhưng không thực hiện việc đăng ký hợp đồng theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Doãn Mậu Diệp đề nghị: Phía Nhật Bản tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức môi giới việc làm và sử dụng lao động bất hợp pháp, cần có sự điều chỉnh chính sách như: tiếp nhận lại hoặc chuyển sang chế độ lao động cho những thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng và có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động; xem xét miễn giảm thuế thu nhập và thuế cư trú cho thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản như đang thực hiện với thực tập sinh của Trung Quốc và Thái Lan nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho thực tập sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Hiroaki Tabata cảm ơn sự tiếp đón và chia sẻ về tình hình hợp tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý của 2 nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác MOC đã được ký kết ngày 06/6/2017 nhằm đảm bảo việc thực thi đúng quy định Chương trình thực tập sinh kỹ năng. Rà soát lại quy trình và thủ tục hồ sơ xin tư cách lưu trú cho thực tập sinh tránh tình trạng bị kéo dài thời gian như hiện nay, gây ảnh hưởng đến hoạt động phái cử và tiếp nhận thực tập sinh theo Chương trình.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: Đối với Chương trình thực tập sinh hộ lý, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều thừa nhận công việc thực tập sinh điều dưỡng không hấp dẫn. Công việc làm trong các trại dưỡng lão, các bệnh viện, công việc không hẳn là sạch sẽ, vì thế, nguy cơ các thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng chấm dứt hợp đồng rất cao. Phía Nhật Bản quy định trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm phải có trình độ N3, như vậy nguy cơ bị trả về là rất lớn, chính vì vậy chương trình thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý không thể triển khai ở mức độ lớn. Đây cũng là vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới.  
Hai bên cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về lĩnh vực lao động giữa hai nước
Cảm ơn Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã dành thời gian đón tiếp và có những khái quát về tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua, ông Hiroaki Tabata ghi nhận những ý kiến của Thứ trưởng. Ông cho biết, Luật Lao động mới của Nhật Bản đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/11/2017, trong đó tâm điểm mà dư luận quan tâm nhất là việc cho phép thực tập sinh nước ngoài có đủ các điều kiện được kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm. Luật Lao động mới sẽ thiết lập các cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ hơn đối với cả doanh nghiệp tiếp nhận và cả thực tập sinh. Một số cơ quan quản lý lao động nước ngoài sẽ được thành lập mới, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, quản lý tốt hơn tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, người lao động nước ngoài.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Hiroaki Tabata cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH
Về thực tập sinh hộ lý, ghi nhận những vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực  thực tập sinh hộ lý, mà ở đó là công việc vừa làm công việc tỷ mỉ, vất vả, đồng thời có cả yêu cầu về ngôn ngữ để phục vụ nhu cầu giao tiếp giữa bản thân người hộ lý và người được chăm sóc. Ông Hiroaki Tabata mong muốn các bạn trẻ Việt Nam nếu thực sự yêu nghề hộ lý, có quyết tâm theo đuổi con đường này, các bạn cần tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề để làm việc thật tốt trong thời gian cư trú tại Nhật Bản. Ông Hiroaki Tabata cũng mong rằng cơ quan chức năng của hai nước sẽ có những cuộc gặp gỡ để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề còn tồn tại từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tình trạng trên.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp của Nhật Bản sang khảo sát thành lập trường thực tập sinh tại Việt Nam
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng đã có buổi tiếp và trao đổi với một số tập đoàn, doanh nghiệp của Nhật Bản do bà Aman Youko, Chủ tịch Tập đoàn Nozomi (Công ty Cổ phần Espoir) làm trưởng đoàn về việc khảo sát thành lập trường và trung tâm điều dưỡng Nhật Bản tại Việt Nam…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật