Được sự chỉ đạo của các cấp ngành, chính quyền tỉnh quan tâm, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Ninh Thuận luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải quyết việc kàm, giảm thiểu thấp nhất tình trạng thất nghiệp của người lao động; Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động; đổi mới hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia; đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm lưu động tại những địa bàn có đông lao động...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong quý I/2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 4.631 lao động, đạt 28,9% kế hoạch giao. Trong đó: lao động trong tỉnh 2.565 người, chiếm 55,4%; lao động ngoài tỉnh 2.024 người, chiếm 43,7%; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 42 lao động, đạt 28% kế hoạch giao. Thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm cho 305 người với số tiền giải ngân hơn 15,1 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động được vay 49,5 triệu đồng để tự tạo việc làm. Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, từng bước đi vào thực chất, có chất lượng, hiệu quả, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, nhu cầu xã hội, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giải quyết việc làm tại chỗ. Trong quý I, đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề cho 1.538 người, đạt 16% so với kế hoạch (đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đến tháng 9 mới tuyển sinh).
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, các ngành, các cấp và các đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản pháp luật có liên quan. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; đặc biệt sẽ tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghipej trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục hướng dẫn thực hiện tốt các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là tạo sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường phối hợp tuyên truyền, kết hợp với thanh tra, kiểm tra nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gắn với đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành pháp luật của người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thu thập thông tin lao động năm 2023 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo việc làm, đặc biệt là thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có nhiều cơ hội tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số; quan tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường./.
Trần Huyền