Tận dụng thời cơ và điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả
(LĐXH)-Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Hội nghị được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức vào chiều ngày 15/10/2021, do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì trực tiếp.
Đưa Nghị quyết số 68/NQ-CP vào cuộc sống kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về cơ bản, đến thời điểm hiện tại, nước ta đã kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt và cả nước cũng từng bước chuyển sang một giai đoạn mới với sự thích ứng linh hoạt, chủ động và phòng chống, chung sống an toàn đối với đại dịch bệnh này. Có thể thấy rằng, tình hình dịch bệnh căng thẳng trong lần thứ 4 này (kể từ 27/4/2021 cho đến nay) đã dần dần qua đi và một điều khẳng định rằng đảm bảo an sinh xã hội là yếu tố quan trọng, là giải pháp trọng yếu, thường xuyên trong thực hiện giãn cách xã hội và phòng chống dịch.
Đánh giá về việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng ghi nhận: Cho đến nay, các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, BHXH Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang hướng dẫn và triển khai rất khẩn trương và quyết liệt các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Đặc biệt, trong suốt thời gian vừa qua, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 của Chính phủ rất kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực. Hiện tại, Nghị quyết 68, sau khi được sửa đổi, bổ sung đã thực sự rất thông thoáng, thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ rút ngắn, tạo sự linh hoạt tối đa cho địa phương.
Báo cáo trước Bộ trưởng và Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 14/10/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc).
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng). Cụ thể:
Nhóm chính sách về bảo hiểm
Tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là trên 5,26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 379.650 đơn vị sử dụng lao động và 11,64 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.900 đơn vị sử dụng lao động với 11,5 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 56/63 tỉnh, thành phố với tổng số 735 đơn vị sử dụng lao động và 135.555 người lao động, tổng kinh phí 938,4 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, có 20 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.792 người lao động.
Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền
Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là gần 16,06 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 12,08 triệu đối tượng, (trong đó 88,7% số đối tượng và 90% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam).
Nhóm chính sách cho vay vốn
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã giải ngân 565,94 tỷ đồng, hỗ trợ 1.059 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 161.110 lượt người lao động.
Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao nhất là Bắc Giang (295,8 tỷ đồng), Bắc Ninh (72 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (28,9 tỷ đồng), Hà Nội (25,7 tỷ đồng), Hưng Yên (10,6 tỷ đồng), Đồng Nai (9,65 tỷ đồng), Bình Định (8,3 tỷ đồng), Cần Thơ (7,67 tỷ đồng).
Về công tác theo dõi, kiểm tra và cung cấp dịch vụ công
Theo thống kê đến hết ngày 13/10/2021, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tiếp nhận 53.460 hồ sơ của người lao động và người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ, trong đó, số lượng đã xử lý xong là 2.320 hồ sơ, số đang xử lý quá hạn là 6.861 hồ sơ, số từ chối là 41.286 hồ sơ. Số lượng hồ sơ từ chối và giải quyết quá hạn nhiều (hơn 48 nghìn hồ sơ) do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số hồ sơ bị Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối, yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bổ sung hồ sơ giấy, có đóng dấu của doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội, trong khi hồ sơ đã được doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội ký số theo đúng quy định.
Khẩn trương, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 116
Về kết quả triển khai Nghị quyết 116, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đối với chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.
Ngày 11/10/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản số 3535/LĐTBXH-VL gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg để triển khai giải quyết hồ sơ tại các địa phương.
Đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: không phát sinh thủ tục mới mà thực hiện thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội, cụ thể hằng tháng, trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những chính sách trên, Chính phủ còn hỗ trợ gạo cho người dân và hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Và theo báo cáo của các địa phương, có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 41 trẻ mồ côi cả cha và mẹ; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 1.426 trẻ em mồ côi.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 05 triệu đồng/trẻ em) và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 01 triệu đồng/trẻ em).
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận: Kết quả đạt được nói trên trước hết là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, nhất là cán bộ ở các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các huyện, và sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó đặc biệt là các cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội của các xã, phường, thị trấn đã nỗ lực rất lớn. Có những đồng chí 3-4 tháng không về nhà, ăn nằm ở cơ quan để chăm lo công việc. Thậm chí, có nhiều đồng chí không ngại hiểm nguy, không chỉ hi sinh về sức khỏe, về công việc, về bổn phận chăm lo gia đình mà còn hi sinh cả tính mạng của mình trong quá trình phòng, chống dịch.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Cho đến giờ này, từ Nghị quyết 42 tới Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 sửa đổi, Nghị quyết 116 đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận và quan trọng hơn đã góp phần để người dân ổn định tương đối về đời sống, về thu nhập, khắc phục rủi ro và một phần khó khăn trong cuộc sống. Nhiều địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kiểm tra, giám sát, ban hành nhiều chủ trương chính sách mới vượt trội, đi trước đón đầu và nhiều chính sách có thể nói rằng mở được rộng hơn đối với các đối tượng, tăng cường hơn về lực lượng và cơ sở vật chất để hỗ trợ người lao động. Nhìn một cách tổng quát, đây là những chính sách rất nhân văn, thể hiện sự chăm lo của Đảng, của Nhà nước để hỗ trợ người lao động và động viên người dân, cùng chung sức, chung lòng với người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Nhìn trên bình diện chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã đến được với người dân.
Những nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm góp phần khôi phục nền kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, đối tượng quá đông, lại thêm thực hiện giãn cách nên có thể ở một nơi nào đó chính sách chưa vươn tới. Hiện nay, đời sống, việc làm của người lao động ở khu nhà trọ, khu lao động tự do ngoài khu công nghiệp còn rất khó khăn, vất vả, dẫn đến tình trạng dòng người di dân dịch chuyển về quê lớn và xảy ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động ở một số lĩnh vực, khu vực, bộ phận. Nhiều nơi chủ sử dụng lao động thiếu hụt lao động và tuyển dụng rất khó khăn.
Về vấn đề này, trước Hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn báo cáo, trong quý IV/2021, TPHCM có khả năng thiếu hụt 60.000 lao động.
Tuy nhiên Giám đốc Sở Lao động TPHCM nhận định, số lao động tại khu vực doanh nghiệp FDI, các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố cơ bản vẫn đảm bảo, không thiếu hụt nhiều. Dù có phải nghỉ làm nhưng người lao động vẫn trụ lại thành phố và đã lần lượt đi làm lại.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cũng cho biết hiện đã có hơn 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại (chiếm 82%), số lao động quay lại đã đạt 57% so với trước.
Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh Bình Phước thông tin, tại các khu công nghiệp, người lao động có nghỉ việc nhưng vẫn ở lại các khu trọ để chờ trở lại làm việc. Theo dự kiến, trong tháng 10, khoảng 25.000 lao động sẽ trở lại.
Nhấn mạnh về cơ hội và những việc cần làm trong thời gian tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn ổn định hơn, vì vậy đây là thời điểm thuận lợi hơn để triển khai những chính sách mới được bổ sung và khắc phục những mặt còn khiếm khuyết. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giải thích đầy đủ những nội dung chính sách đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để người dân, người lao động, doanh nghiệp tiếp cận chính sách một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Cùng với đó, cần phải tập trung quan tâm đến lực lượng lao động chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được hưởng lương; một số đối tượng lao động tự do đã được chính quyền địa phương cho vào danh sách đối tượng hưởng nhưng chưa được hưởng chính sách. Đặc biệt, quan tâm đến gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhóm chính sách về đào tạo, đào tạo lại người lao động ….
Bên cạnh việc triển khai, cần phải quan tâm đến việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai chính sách. Bộ trưởng yêu cầu các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, rà soát về thực trạng lao động, việc làm, cơ cấu lao động, tình hình chuyển dịch lao động, tình hình thiếu hụt lao động. Đặc biệt cần nêu rõ số lượng lao động thiếu hụt trong từng lĩnh vực, giải pháp giải quyết và kiến nghị của địa phương với Bộ, với Chính phủ, từ đó góp phần bổ sung kịp thời vào các cơ chế, chính sách cho việc phục hồi kinh tế và phát triển xã hội.
Bàn về các giải pháp khôi phục và phát triển thị trường lao động – một trong những nội dung quan trọng góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ 3 nhóm giải pháp các địa phương cần thực hiện. Đó là:
- Nhóm giải pháp giữ chân người lao động. Trong đó, trước hết cần thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành. Thứ hai, các địa phương cần ban hành những chủ trương chính sách chăm lo cho người lao động ở lại địa phương như chính sách giảm giá điện, giá nước, chính sách nhà ở…
- Nhóm chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc.
- Nhóm giải pháp điều tiết lực lượng lao động. Các địa phương cần phải chủ động điều tiết, bổ sung lực lượng lao động, trong trường hợp thiếu lực lượng lao động thì địa phương có thể vận động, huy động lực lượng sinh viên, học sinh với phương thức vừa học vừa làm trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Và cũng có thể huy động một số lực lượng lao động khác trong trường hợp một số địa bàn cấp thiết, một số lĩnh vực, công việc cấp thiết./.
Giang Hạnh
TAG: