An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tai nạn lao động làm 928 người chết trong năm 2017
09:03 AM 13/04/2018
(LĐXH) - Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn. Trong đó, ở khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra 1.207 vụ, làm 262 người chết và 234 người bị thương nặng; khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7.749, vụ làm 666 người chết và 1.681 người bị thương nặng.
Chi phí thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương là 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 136.918 ngày.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng trong khu vực có quan hệ lao động phải kể đến là: Vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào lúc 10h40 ngày 12/01/2017 tại Công ty Cổ phần Foodtech (liên doanh với Thái Lan), Chi nhánh Phú Yên làm 05 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá; Vụ tai nạn rơi thang máy vào khoảng 12h00 ngày 22/8/2017 tại Chung cư Newlife Tower đang thi công xây dựng tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Hà Nội làm chủ đầu tư, làm 3 người chết; Vụ tai nạn sập giàn giáo vào khoảng 15h30 ngày 10/9/2017 tại thôn Ngoan A, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang làm 3 người chết, 6 người bị thương; Vụ tai nạn nổ tàu lai dắt vào khoảng 16h00  ngày 12/11/2017 tại Công ty đóng tàu Phà Rừng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) làm 4 người chết...
(Ảnh minh họa)
10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Long An, Thái Nguyên. Các địa phương trên có tổng số người chết vì TNLĐ là 376 người chiếm 56,5% tổng số người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương xảy ra nhiều TNLĐ nhất (1.492 vụ) và có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất với 101 vụ làm 102 người chết; Bắc Ninh là địa phương có số người chết vì TNLĐ tăng cao so với năm 2016 (26 người, tăng 10 người so với năm 2016).
Còn ở khu vực không có quan hệ lao động, các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Các địa phương có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất là Phú Yên (35 vụ, làm 35 người chết), TP. Hồ Chí Minh (21 vụ, làm 21 người chết), Quảng Ninh (18 vụ, làm 19 người chết), Bắc Ninh (17 vụ, làm 17 người chết), Lạng Sơn (15 vụ, làm 15 người chết), Yên Bái (15 vụ, làm 15 người chết). Một số địa phương TNLĐ xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động cao hơn so với khu vực có quan hệ lao động như Phú Yên, Yên Bái, Lạng Sơn.
Trong lĩnh vực đặc thù, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng năm 2017, toàn quân xảy ra 62 vụ TNLĐ, cháy nổ, làm 25 người chết, 34 ng­­ười bị th­­ương nặng, 9 người bị thương nhẹ, thiệt hại đáng kể về vật chất, tài sản; trong đó: 11 vụ do máy móc, thiết bị, cán cuốn; 8 vụ do tiếp xúc với đạn dược, vật liệu nổ; 8 vụ do phương tiện vận tải; 8 vụ do ngã, ngã cao; 5 vụ do điện; 4 vụ sập lò, đất đá, công trình; 4 vụ do cây, vật đổ đè rơi; 3 vụ chết đuối; 11 vụ do các nguyên nhân khác.
Các số liệu thống kê cơ bản cho thấy, tình hình TNLĐ năm 2017 có chiều hướng tăng, nhưng số người chết và bị thương nặng lại có chiều hướng giảm. Năm 2017, trong khu vực có quan hệ lao động, số vụ TNLĐ tăng 2,1%, tổng số nạn nhân tăng 1,3%, số người chết giảm 6,3%, số vụ có người chết giảm 1,1%, số người bị thương nặng giảm 9,4%. (Chỉ so sánh ở khu vực có quan hệ lao động, vì việc thống kê báo cáo TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động mới được thực hiện từ ngày 01/7/2016). Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn là: Xây dựng (chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết); sản xuất vật liệu xây dựng (chiếm 9,2% tổng số vụ và 8,8% tổng số người chết); cơ khí, luyện kim (chiếm 6,9% tổng số vụ và 8,02% tổng số người chết). Các vụ tai nạn làm chết người nhiều nhất chủ yếu do: Ngã từ trên cao chiếm 27,7% tổng số vụ và 30,7% tổng số người chết; điện giật chiếm 13,1% tổng số vụ và 12,4% tổng số người chết; Tai nạn giao thông chiếm 13,1% tổng số vụ và 12,4% tổng số người chết; vật rơi, đổ sập chiếm 12,4% tổng số vụ và 12,4% tổng số người chết.
Qua phân tích biên bản điều tra TNLĐ chết người, nguyên nhân chủ yếu xảy ra là do người sử dụng lao động chiếm 45,41%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động. Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 20%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Còn lại 34,59% là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như: Khách quan khó tránh, nguyên nhân chưa kể đến, tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững