Bước sang năm 2018, VICEM đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện với mục tiêu tăng năng lực sản xuất, khả năng tiêu thụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn VICEM, tạo động lực và tiền đề để cổ phần hóa Công ty mẹ VICEM trong năm 2019. Kết quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù doanh thu thuần của Công ty mẹ VICEM giảm nhưng lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại tăng 47,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Theo báo cáo tài chính của VICEM, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty mẹ VICEM đạt 120,09 tỷ đồng, giảm 195,53 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017 (doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 đạt 315,63 tỷ đồng). Nguyên nhân sụt giảm là do thực hiện tái cơ cấu, từ năm 2018, Công ty mẹ VICEM không thực hiện ủy thác xuất khẩu clinker và tổ chức mua sắm tập trung tại Tổng VICEM như trước mà chuyển về các đơn vị thành viên thực hiện. Hiện doanh thu của Công ty mẹ VICEM chỉ còn doanh thu phí tư vấn, không ghi nhận phần doanh thu của các hoạt động ủy thác xuất khẩu clinker và mua sắm tập trung như trước đây.
Theo đại diện lãnh đạo VICEM, về bản chất hoạt động ủy thác xuất khẩu và mua sắm tập trung là thu hộ, chi hộ, không tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận cho công ty mẹ VICEM, có thể rủi ro về pháp lý, làm tăng công nợ nội bộ, đồng thời tạo nên sức ì cho một số đơn vị thành viên. Từ năm 2018, hoạt động này đưa về đơn vị thành viên để các đơn vị chủ động thực hiện, Công ty mẹ VICEM đẩy mạnh tái cơ cấu để tập trung điều hành, chỉ đạo quản lý phần vốn đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường đổi mới, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không “ăn bám” vào Công ty mẹ để nâng cao hiệu quả hoạt động....
Một nguyên nhân nữa khiến doanh thu thuần của VICEM giảm so với năm 2017 là do năm 2017, tập đoàn LafageHolcim thực hiện thoái vốn tại Holcim Việt Nam cho Công ty SiamCityCement của Thái Lan, VICEM đã yêu cầu Tập đoàn LafageHolcim chia toàn bộ lợi nhuận còn lại của Holcim Việt Nam đến thời điểm chuyển nhượng cho các bên liên doanh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, VICEM đã nhận được 892,73 tỷ đồng từ Holcim, trong đó 714,35 tỷ đồng lợi nhuận từ Holcim Việt Nam (tăng 514,5 tỷ đồng so với năm 2018 là 199,8 tỷ đồng) và 178,38 tỷ đồng khoản bồi hoàn cho VICEM. Nếu loại trừ ảnh hưởng của việc Holcim Việt Nam chia lợi nhuận thì tổng cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư của Công ty mẹ VICEM trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 61,19 tỷ đồng tương đương tăng 13 % so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, VICEM đã thực hiện tăng 480 tỷ đồng vốn điều lệ đợt 2 cho Xi măng Hạ Long trong đề án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng thông qua. VICEM thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với khoản đầu tư tăng thêm này là 480 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018 do Xi măng Hạ Long trước khi chuyển về VICEM còn lỗ lũy kễ. Trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại xi măng Sông Thao sau khi tiếp nhận từ TCT HUD là 347 tỷ đồng.
Tính chung, nếu loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố bất thường, thì lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của công ty mẹ VICEM tăng 86,87 tỷ đồng bằng 110 % so với cùng kỳ năm 2017.
Hiệu quả từ tái cơ cấu
Thực hiện bám sát chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 12/NQ-TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, VICEM đã cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, tăng cường nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để xứng đáng với nhiệm vụ của Nhà nước giao là lực lượng nòng cốt, là đầu tàu dẫn dắt, bình ổn thị trường xi măng.
Dự kiến năm 2018, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng đạt 25 triệu tấn,
doanh thu của toàn VICEM đạt khoảng 37.000 tỷ đồng
Hiện Tổng công ty đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, với mục tiêu tăng năng lực sản xuất, khả năng tiêu thụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn VICEM, tạo động lực và tiền đề để cổ phần hóa Công ty mẹ VICEM trong năm 2019.
6 tháng đầu năm 2018, VICEM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: Sản lượng sản xuất đạt 10, 040 triệu tấn clinker và 11,524 triệu tấn xi măng, tương ứng tăng 690.000 tấn clinker và 646.000 tấn xi măng so với cùng kỳ năm 2017; Tiêu thụ cũng tăng tương ứng 617.000 tấn clinker và 708.000 tấn xi măng đạt 2.537.000 tấn clinker và 11.728.000 tấn xi măng so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2017; doanh thu hợp nhất tăng 596 tỷ đồng so với năm 2017 đạt 13.532 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.213,96 tỷ đồng tăng 47,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Dự kiến năm 2018, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng đạt 25 triệu tấn, doanh thu của toàn VICEM đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch năm 2018, đạt mức cao nhất của VICEM; lợi nhuận trước thuế tổng hợp toàn đạt 2.700 tỷ đồng, vượt 1,5% so với kế hoạch năm 2018, tăng 7% so với thực hiện 2017 (mặc dù năm 2017 công ty mẹ VICEM có khoản lợi nhuận tăng đột biến 892,73 tỷ đồng từ việc chia cổ tức của các Công ty Liên doanh).
Qua quá trình tái cơ cấu đến nay, VICEM đã và đang chứng tỏ đường hướng, phương hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thông qua tái cơ cấu, tăng cường đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, quản trị giúp cho VICEM nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung hạn chế, khắc phục những yếu kém hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Hà Giang