Sức sống mới ở Làng nghề chè truyền thống
(LĐXH) Đến thăm xóm Nhâu (xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), chúng tôi mới thấy giá trị kinh tế của cây chè, một loại cây trồng đã mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần xóa nghèo, giảm nghèo của bà con nơi đây.
Hiện nay, diện tích chè của xóm đã phát triển lên 50ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2000, trong đó có 15ha chè cành với các giống: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên,... với năng suất đạt 8 tấn chè búp tươi/ha. Vào chính vụ, chè thường được bán với giá 100 đến 150 nghìn đồng/kg chè búp khô. Vào vụ đông, chè có giá bán từ 120 đến 250 nghìn đồng/kg chè búp khô. Cây chè thực sự đem lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân.
Anh Nguyễn Hữu Xanh, Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè truyền thống xóm Nhâu cho biết, mặc dù cây chè đã bén rễ trên đất đồi khoảng mấy chục năm trước nhưng phải đến năm 2000 cây chè này mới được bà con ở đây phát triển thành “đặc sản”. Giờ đây, chè đã là cây xáo đói, giảm nghèo... Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm thuộc diện cao nhất địa phương. Đường sá đi lại khó khăn, thu nhập chính của bà con chủ yếu là cấy lúa, trồng ngô. Những năm gần đây, có nguồn điện lưới quốc gia về tận hộ gia đình, đường sá được cải tạo nên bà con trong xóm đã tập trung trồng rừng và trồng chè. Hiện cả xóm có 173 hộ, 728 nhân khẩu thì có tới 165 hộ chuyên canh trồng chè. Nhờ có cây chè, đời sống kinh tế của bà con đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân năm 2010 đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2016, mức thu nhập đã tăng lên 24 triệu đồng/người/năm.
Năm 2016, xóm Nhâu đã được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống. Các tuyến đường đã được đổ bê tông phong quang cùng với những ngôi nhà mới xây, diện mạo nông thôn đang đổi thay từng ngày. Nhiều hộ đã mua được những tiện nghi phục vụ sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh...
Anh Nguyễn Hữu Tuyến, một hộ dân trồng chè chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Từ khi tập trung vào trồng 2 mẫu chè, mỗi lứa chè của gia đình cho thu hái trên 1,6 tạ chè búp khô, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Nhận thấy cây chè lai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình đang thay thế dần những diện tích chè trung du cằn cỗi bằng các giống chè có năng suất chất lượng cao. Trong vườn, tôi đã có 4 sào chè giâm cành. Cùng với đó, gia đình cũng đầu tư mua tôn quay chè, máy vò chè phục vụ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ...
Ngoài gia đình anh Tuyến, nhiều hộ dân khác ở xóm Nhâu cũng mạnh dạn trồng thay thế diện tích chè trung du cằn cỗi bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng, mua sắm các loại máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến chè. Đến nay, 100% các hộ dân trồng chè đã đầu tư mua tôn quay, máy vò chè và khoảng chục hộ lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước ở các vườn, đồi chè. Cùng với đó, bà con cũng tập trung đưa các loại phân bón mới vào chăm bón chè. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng chè đã nâng lên rõ rệt, từ 5 tấn chè búp tươi/ha (năm 2010) nay đã tăng lên 8 tấn chè búp tươi/ha...
Hiện nay, sản phẩm chè của bà con trong xóm đã được tư thương ở Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên đã về tận nơi thu mua. Có thể nói, cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân xóm Nhâu. Việc công nhận làng nghề chè truyền thống vào cuối năm 2016 là sự ghi nhận, đồng thời là động lực để bà con trong xóm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm chè thương hiệu “Thái Nguyên”./.
PV
TAG: