Trong quá trình đi cùng lịch sử của biệt thự 35 Trần Phú là dấu ấn của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người đã ở và làm việc từ năm 1959 đến năm 1980. Từ ngày hòa bình lập lại năm 1954 đến năm 1959, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống và làm việc tại đây (cùng gia đình). Đến khi thấy mình tuổi đã cao, Chủ tịch đã đề nghị cho chuyển gia đình ra khỏi biệt thự này “là để chuẩn bị sau này khi mình qua đời, dễ bề trả lại ngôi nhà cho Nhà nước” – theo ý Chủ tịch. Và sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, ngôi biệt thự số 35 Trần Phú đã được Nhà nước bàn giao làm trụ sở một số cơ quan: từ Ủy ban chăm sóc và bảo vệ trẻ em; sau quá trình giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em cùng nguyên trạng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức, viên chức làm công tác trẻ em thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Ban Quản lý các dự án/tiểu dự án hợp tác Việt Nam - UNICEF).
Điều đặc biệt, về sau này, trụ sở làm việc 35 Trần Phú mặc dù do Nhà nước quản lý nhưng nó nằm trong 09 di tích liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích tỉnh, thành phố và 03 địa điểm gắn bia lưu niệm. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với các cơ quan quản lý di tích tại địa phương quan tâm, đầu tư tôn tạo, góp phần thiết thực tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Riêng trụ sở này, Ban quản lý Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã phối hợp với Cục Trẻ em gắn lại bảng lưu niệm.
Cùng với thời gian, cách sử dụng là một trong những lý do khiến các biệt thự Pháp cổ mau chóng bị bào mòn, xuống cấp trầm trọng, trụ sở 35 Trần Phú cũng nằm trong diện này. Quá trình sửa chữa, cơi nới để tăng hệ số sử dụng là lý do quan trọng dẫn tới sự xuống cấp không thể cứu vãn của loại công trình này. Chỉ đơn cử như việc cải tạo đường nước, đường thoát nước thải hoặc hệ thống công trình phụ do hầu hết các biệt thự Pháp cổ đều không có trụ sàn giữa các tầng bằng bê-tông đổ liền như hiện đại. Đó chỉ là những thanh dầm sắt hình chữ Y để gài gạch vào do đó, khi xây thêm hệ thống đường ống, bể nước, công trình phụ, hầu hết các biệt thự đều rơi vào tình trạng bị thấm xuôi (từ trên cao xuống) hoặc thấm ngược (từ dưới đất lên, do ảnh hưởng của việc tôn nền, cải tạo đường). Kết quả là tường và các công trình chịu lực rất mau bở, mủn và chịu tải kém…
Trên thực tế, hiện đại hóa công sở là quá trình tất yếu. Đây là sự đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, từng bước hiện đại hoá công sở, trang bị các phương tiện làm việc cần thiết… Tuy nhiên, công sở ở Việt Nam được xây dựng qua nhiều thời kỳ, từ đầu hoặc giữa thế kỷ 20 cho đến nay và các biệt thự cổ được khảo sát, quy hoạch theo các nhóm là một vấn đề lớn. Do được phát triển và hình thành từ nhiều nguồn nên công sở hành chính nhà nước bố trí thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ, và không có tính chuẩn mực. Yêu cầu hiện nay là phải từng bước làm cho bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu quản lý mới, từng bước hiện đại hoá công sở, trang bị các phương tiện làm việc cần thiết. Nhằm đáp ứng được yêu cầu nói trên, gần đây một số cơ quan đã tiến hành xây dựng mới hoặc sửa chữa công sở.
Trước nhu cầu sử dụng của các đơn vị cùng với hiện trạng xuống cấp trụ sở 35 Trần Phú, căn cứ quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, kết quả kiểm tra, thẩm định phương án cải tạo nhà biệt thự nhóm 1 tại số 35 Trần Phú của Sở Xây dựng Hà Nội và các văn bản liên quan, ngày 31/10/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký quyết định số 1723/QĐ-LĐTBXH phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp trụ sở 35 Trần Phú. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ được giao nhiệm vụ quản lý dự án này. Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật, giải pháp thiết kế được cân nhắc kỹ lưỡng, thực hiện trên nhà A cao 5 tầng, nhà B (biệt thự), nhà C cao 2 tầng, nhà D cao 2 tầng. Cải tạo nâng cấp toàn bộ các hạng mục phụ trợ và kỹ thuật hạ tầng bao gồm nhà bảo vệ, sân, cổng, tường rào, hệ thống cấp điện, chiếu sáng và cấp thoát nước ngoài nhà; bổ sung các trang thiết bị văn phòng phù hợp với yêu cầu sử dụng.
Dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở 35 Trần Phú có thuận lợi nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội nên thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư là Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đến nay, các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ, một số công việc cuối cùng đang khẩn trương thực hiện để đưa công trình vào sử dụng. Dự án hoàn thành đáp ứng điều kiện làm việc cho Cục Trẻ em và các đơn vị liên quan công tác trẻ em.
Trong quá trình sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc 35 Trần Phú vừa nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế vừa cần hết sức đảm bảo gìn giữ di tích, tầm vóc lịch sử của ngôi biệt thự mà sinh thời tâm huyết của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mong muốn dành nơi này cho các đơn vị, tổ chức hoạt động vì trẻ em. Việc cải tạo, sửa chữa trụ sở 35 Trần Phú với mức độ tối ưu nhất tính nguyên trạng ban đầu sẽ góp phần để nét đẹp lãng mạn bay bổng của những khu phố cũ mãi trường tồn cùng Thủ đô Hà Nội./.
Phương Phin – Đăng Doanh