Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Sơn La xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em
11:10 AM 24/05/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn Sơn La đã được thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp gây bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 397.800 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31,3% dân số); trong đó, trên 6.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 136.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Sơn La, tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm ngày 18/5/2023, tổng số trẻ em bị xâm hại toàn tỉnh là 70 trẻ em (nam 14, nữ 56). Bao gồm: bạo lực 16 trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em 52 em và các hình thức gây tổn hại khác 02 trẻ em.
Đánh giá tình hình xâm hại trẻ em cho thấy, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương ở Sơn La đã quan tâm và có nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra và có diễn biến phức tạp để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Đối tượng thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thành phần xã hội khác nhau, đa số có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế hoặc những người có mối quan hệ gần gũi trong gia đình thường lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc những trẻ em có hoàn cảnh éo le, không được quan tâm, chăm sóc đầy đủ hoặc lợi dụng những lúc trẻ em ở nhà một mình, đi vào khu vực vắng vẻ để thực hiện hành vi xâm hại...
Mặc dù vậy, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn ngày càng được thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời điều đó cho thấy nhận thức của nhân dân về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng được nâng cao, người dân nhận diện được các hành vi xâm hại trẻ em, dám lên tiếng, tố cáo các hành vi này. Đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp gây bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.
Huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ em
Nhằm hạn chế và giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, những năm qua tỉnh Sơn La luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đến các cấp, các ngành và người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Kết quả, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã tổ chức 147 cuộc tuyên truyền trực tiếp, tập huấn về thực hiện các quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, công tác phòng, chống tội phạm xậm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, mua bàn trẻ em... thu hút gần 22.000 người tham gia; treo 390 băng zôn, 20 cụm pa nô tam giác, in và cấp phát 2.550 tờ gấp, 2.000 cuốn tài liệu truyền thông, 2.200 tập gấp, 16.900 tờ rơi tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức 08 cuộc thi tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các trường học với trên 4000 người tham dự; 06 diễn đàn trẻ em các cấp thu hút trên 1.000 trẻ em tham dự...
Ở cấp huyện, đã treo 365 băng zôn tuyên truyền; xây dựng 03 cụm pa nô; in và cấp phát đến người dân 1.900 tờ rơi; tổ chức 1.753 cuộc tuyên truyền tại cộng đồng, qua hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn, trò chuyện ngoại khóa cho trẻ em thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ; tuyên truyền cho các phụ huynh thông qua các buổi họp phụ huynh; tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường...
Đến nay, 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cơ sở được tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng về chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em; hàng trăm nghìn lượt người dân được tuyên truyền, phổ biến chính sách, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của các bậc cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ từ đó bảo vệ con em mình đối với các hành vi, thủ đoạn lừa gạt, xâm hại, mua bán trẻ em.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, từ năm 2021 đến nay, Sở Lao động – TBXH Sơn La đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát; trong đó Sở đã thực hiện 02 cuộc thanh tra trong đó có lồng ghép nội dung thực hiện các chế độ chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 02 đơn vị; tiến hành kiểm, giám sát 07 cuộc tại các huyện, thành phố. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các huyện, thành phố cho thấy đã có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.Việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thực hiện chặt chẽ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cơ bản được thực hiện đồng bộ, có sự phân công rõ ràng. Các cấp, các ngành đã chủ động triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời nắm bắt và xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương tiếp tục duy trì triển khai hoạt động các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình, thành lập các nhóm, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình (toàn tỉnh có 168 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 290 câu lạc bộ phát triển bền vững, 487 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 552 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 163 đường dây nóng ở cơ sở)...
Tiếp đến, việc đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; bbố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em cũng được tỉnh Sơn La quan tâm thực hiện. Hiện nay trên địa bàn tỉnh duy trì và phát huy có hiệu quả 05 thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh; 12 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, 196/204 nhà văn hóa cấp xã, 2.989 nhà văn hóa, tổ, bản, tiểu khu là điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em.
Thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí cấp tỉnh, cấp huyện, xã nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu vì trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Chí Tâm

TAG: vụ việc bạo lực xâm hại
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em