Sơn La thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
(LĐXH) Thời gian qua, Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tiến tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em, vì mục tiêu bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Theo nghiên cứu cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có một người sẽ trở thành đối tượng của bạo lực giới. Theo điều tra của Liên Hợp quốc, tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực tại một số thời điểm trong cuộc đời.
Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Tại Sơn La, năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 141 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần có 65 vụ, bạo lực thân thể có 69 vụ, bạo lực tình dục có 03 vụ, bạo lực kinh tế có 4 vụ, giảm 86 vụ so với năm 2018. Đối tượng thực hiện hành vi thường là người ruột thịt, quen biết. 100% các vụ bạo lực gia đình đã được xử lý với các hình thức: Phê bình góp ý trong cộng đồng, cấm tiếp xúc, áp dụng các biện pháp giáo dục, xử phạt hành chính, xử lý hình sự, tư vấn... Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hoạt động của Chương trình hành động mục tiêu quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các chính sách liên quan đến phụ nữ; Triển khai nhiều hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho phụ nữ trong các hoạt động xã hội và gia đình.
đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành 142 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với trên 3.000 cộng tác viên dân số - gia đình, có 336 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 336 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, nâng tỷ lệ xã, phường có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình lên 54,9%. Hoạt động của các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tác hại của bạo lực gia đình và hình thành ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp cho nhân dân kiến thức để xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; 100% số hộ tham gia sinh hoạt mô hình, câu lạc bộ không có tình trạng bạo lực gia đình, không có con bỏ học, đi lang thang. 100% người gây bạo lực gia đình được xử lý, trong đó chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; Áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; 100% nạn nhân bị bạo lực gia đình được hỗ trợ, tư vấn và được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực.
Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Do đó, theo ông Lê Viết Trực, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La: “Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực tại gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi nó xảy ra. Cần thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, tỉnh Sơn La cần thực hiện đồng bộ và lồng ghép có hiệu quả công tác bình đẳng giới với các chương trình mục tiêu khác, đưa các nội dung của công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương; Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến đầy đủ Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân; Tích cực phối hợp lồng ghép thực hiện các các mục tiêu của Chương trình hành động với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Thường xuyên nắm bắt tình hình và tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến phụ nữ và trẻ em; Duy trì và nhân rộng các mô hình như: CLB gia đình phát triển bền vững, CLB gia đình hạnh phúc...; Đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Giáo dục ý thức bình đẳng giới cho tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng như đối với công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.
Thảo Lan
TAG: