Sơn La: Tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là người nghèo, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 của về đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.
Sơn La có quy mô hộ nghèo đa chiều lớn thứ 5 cả nước (với 93.567 hộ nghèo và hộ cận nghèo), phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn là hộ dân tộc thiểu số
Năm 2021, tỉnh Sơn La được phân bổ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ ngân sách Trung ương (theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) là 7.334 triệu đồng. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 30/12/2021 về phân bổ dự toán kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và CTMT giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động năm 2021; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về phân bổ dự toán kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và CTMT giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động năm 2021. Hiện các huyện đang tiến hành triển khai, thực hiện.
Kinh phí trung hạn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022: Ngày 22/5/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, ban hành Quyết định giao Kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Trong đó, từ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Sơn La được phân bổ: Giai đoạn 2021-2025, dự kiến là 1.168.917 triệu đồng (trong đó: Vốn đầu tư 472.571 triệu đồng, vốn sự nghiệp 696.346 triệu đồng); Năm 2022 là 231.608 triệu đồng (trong đó: Vốn đầu tư 153.849 triệu đồng, vốn sự nghiệp 77.759 triệu đồng).
Về huyện nghèo: Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La có 02 huyện nghèo (huyện Thuận Châu và huyện Sốp Cộp).
Về xã đặc biệt khó khăn: Tỉnh có 202 xã (khu vực I, II, III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó: Xã khu vực I là 66 xã; xã khu vực II là 10 xã; xã khu vực III là 126 xã; có 1.449 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 của tỉnh Sơn La: Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, tổng tỷ lệ nghèo đa chiều là 31,91% (tương ứng 93.567 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 21,66% (tương ứng 63.509 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 10,25% (tương ứng 30.058 hộ). Đối với khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Sơn La có tỷ lệ nghèo đa chiều cao thứ 7/14 tỉnh trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo đa chiều là 98,58% (tương ứng 62.605 hộ).
Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2021: Thực hiện Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 3.779 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó: năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được trên 60 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ 1.159 hộ nghèo xây mới 1.133 nhà và sửa chữa 26 nhà ở.
Tỉnh cũng đã tổ chức 44 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 88 xã nghèo, 90 bản đặc biệt khó khăn với tổng số 8.842 người tham dự; cấp phát miễn phí 19.000 tờ gấp pháp luật cho người dân; xây dựng chuyên mục “Hỏi – Đáp pháp luật” trên sóng phát thanh, truyền hình bằng 3 thứ tiếng (phổ thông, Thái, Mông). Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý, người dân dần nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hơn 54.000 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí trên 43.000 triệu đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng đối với các đối tượng chính sách với tổng số tiền 1.459.673 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ lên 4.949.370 triệu đồng. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đã có 34.678 người được vay vốn, trong đó tỉnh đặc biệt ưu tiên một số Chương trình cho vay đối với các đối tượng là hộ nghèo (465.606 triệu đồng với 9.918 lượt hộ được vay); hộ cận nghèo (240.523 triệu đồng với 4.617 lượt hộ được vay vốn); hộ mới thoát nghèo (136.363 triệu đồng với 2.398 lượt hộ được vay vốn); vay giải quyết việc làm (91.441 triệu đồng với 1.908 lượt hộ được vay vốn), học sinh, sinh viên...
Toàn tỉnh có 40.277 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng (tại cộng đồng: 40.131 người, tại cơ sở bảo trợ xã hội: 146 người). Thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói cho 5.550 hộ với 24.647 nhân khẩu với tổng số 491,775 tấn gạo trong dịp Tết Nguyên đán; phân bổ và tổ chức cấp phát 59,805 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cứu đói giáp hạt năm 2021 cho 1.013 hộ dân với 3.987 nhân khẩu; hỗ trợ 11 người bị thương, hỗ trợ 58 hộ sửa chữa và di rời nhà ở do thiên tai.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Sơn La cũng gặp một số khó khăn, tồn tại trong công tác giảm nghèo như: Tỉnh Sơn La có 02 huyện nghèo (huyện Thuận Châu và huyện Sốp Cộp); 202 xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và 1.449 thôn đặc biệt khó khăn, đây là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La có quy mô hộ nghèo đa chiều lớn thứ 5 cả nước (với 93.567 hộ nghèo và hộ cận nghèo), phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn là hộ dân tộc thiểu số (chiếm 98,58% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, tương ứng 62.605 hộ), sinh sống chủ yếu ở vùng nghèo, thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động lớn đến các hoạt động trong thực hiện công tác giảm nghèo; đời sống người dân trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đối với vùng lõi nghèo (gồm 2 huyện nghèo, 202 xã đặc biệt khó khăn, 1.449 thôn đặc biệt khó khăn) sẽ ưu tiên tập trung, lồng ghép nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; trọng tâm lấy phát triển kinh tế vùng, địa phương để giảm nghèo bền vững thông qua triển khai các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra ở địa bàn nghèo; hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo động lực phát triển vùng nghèo.
Tỉnh Sơn La có 02 huyện nghèo (huyện Thuận Châu và huyện Sốp Cộp), tỉnh dự kiến đến năm 2025, huyện Thuận Châu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bổ sung nguồn lực hỗ trợ huyện Thuận Châu thoát nghèo.
Đối với người nghèo: Đổi mới phương thức hỗ trợ riêng lẻ từng hộ sang hỗ trợ thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình); hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, hiện vật hoặc tiền; từng bước xoá bỏ chính sách cho không; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động./.
Hồng Phượng
TAG: