Sơn La: Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể, giảm nghèo bền vững
(LĐXH) Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ở Sơn La hoạt động có hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.
Những năm gần đây, người dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu, Sơn La) đã tận dụng những thế mạnh địa phương để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều mô hình HTX, hộ gia đình... hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là mô hình sản xuất của HTX bản Bon đã tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả thay thế cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc để phát triển kinh tế.
Hiện nay, HTX có 65 ha xoài giống Đài Loan, các thành viên được các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với cán bộ kỹ thuật của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (Mai Sơn) tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học. HTX còn tiến hành ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như giải quyết những khó khăn về môi trường.
Nhờ liên kết chặt chẽ với HTX Thanh Sơn, sản phẩm đều được thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như tiêu thụ trong nước. Đây là tín hiệu vui cho bà con nhằm đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc, nâng cao thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo.
Anh Lù Văn Inh, thành viên của HTX bản Bon cho biết, gia đình anh đã chuyển đổi 2 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng xoài Đài Loan. Hiện, cây mới cho thu hoạch. Trung bình 1 ha xoài của gia đình thu hoạch 1 tấn quả, bán được hơn 15 triệu đồng.
Kết quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở bản Bon đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân cũng như khẳng định hướng đi đúng đắn khi tận dụng được diện tích đất dốc kém hiệu quả sang phát triển trồng cây ăn quả theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, HTX bản Bon sẽ tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả cho các thành viên HTX và nhân dân. Vận động các thành viên tiếp tục đăng ký chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định.
Sau nhiều đợt khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, chính quyền xã Mường Khiêng đã thống nhất xây dựng kế hoạch phù hợp cho từng giai đoạn chăn nuôi, như: chuyển đổi đất dốc, quản lý vốn, xây dựng chuồng trại, bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh; thực hiện hỗ trợ giống cho các hộ nghèo. Việc phát triển sản xuất cũng phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng bản để mang lại hiệu quả cao nhất.
Dù chưa thành lập được HTX chăn nuôi, nhưng đến nay, đã không ít mô hình chăn nuôi của người dân mang lại hiệu qủa kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của gia đình anh Lò Văn Sáng (bản Pục Tứn). Anh đã được hỗ trợ giống, vốn đầu tư 10 con bò và xây dựng chuồng trại chăn nuôi 50 con dê. Nhờ chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cả dê và bò của gia đình đều khỏe mạnh. Chỉ tính riêng đàn dê trung bình một năm cho xuất bán hai lần, thu hơn 300 triệu đồng.
Hay gia đình anh Bạc Cầm Nói (bản Khiêng) cũng vay vốn chăn nuôi 20 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng trên 2 tấn thịt lợn hơi, thu hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn mở rộng sang nuôi 40 con dê thịt. Từ việc chăn nuôi, gia đình anh đang dần ổn định cuộc sống.
Theo chính quyền xã, người dân đã tích cực trồng 142 ha cỏ voi VA06, cỏ mật để làm thức ăn chăn nuôi hơn 3.600 con trâu, bò; gần 3.120 con dê. Ngoài ra, người dân còn nuôi hơn 1.200 con lợn và 31.100 con gia cầm các loại. Tất cả sản phẩm đều được đánh giá cao về chất lượng.
Điều kiện tự nhiên và trình độ nhận thức của người dân Mường Kiêng rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy, xã Mường Khiêng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập HTX trong thời gian tới để nâng cao giá trị sản phẩm.
Không chỉ phát triển chăn nuôi, xã Mường Khiêng còn tận dụng điều kiện tự nhiên về nước mặt ở lòng hồ để nuôi cá lồng. Hiện, HTX Nuôi trồng thủy sản Huổi Pản đang dẫn dắt người dân nuôi 51 lồng cá. Trung bình mỗi lồng cá có diện tích hơn 20 m², được làm bằng khung thép chắc chắn, nuôi các loại cá: Trắm, rô phi, chép, lăng vàng, nheo và diêu hồng.
Các thành viên HTX đã thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho cá. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường gần 30 tấn cá các loại, thu trên 1 tỷ đồng. HTX đã ký kết với Công ty Thủy sản Sông Đà bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc tập trung nuôi cá lồng, HTX Huổi Pản còn vận động các thành viên đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, hiện HTX đã trồng gần 20 ha xoài Đài Loan.
Có thể thấy, việc lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương đã và đang được người dân Mường Khiêng tích cực thực hiện nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Đây cũng là những lộ trình cụ thể của xã trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Khánh Linh
TAG: