(LĐXH)-Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng của tỉnh Sơn La tiếp tục được thực hiện theo 5 chương trình và phát triển rộng thành phong trào lớn trong toàn tỉnh, có sức thu hút và lay động lòng người, đem lại những kết quả hết sức to lớn và thiết thực.
Thụ hưởng kết quả của phong trào này, nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được giúp đỡ kịp thời, giải quyết được nhiều khó khăn về nhà ở, việc làm, học tập, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần hàng ngày khác, mức sống trung bình của người có công được nâng cao.
Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Mã thăm hỏi, tặng quà cho thương binh Nguyễn Quang Tuyến, bản Lướt, xã Chiềng Khoong nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ Từ năm 2021 đến nay, công tác huy động nguồn lực chăm sóc ưu đãi đối với người có công trên địa bàn toàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Trong các dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm, công tác thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công được tổ chức rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số suất quà tặng cho người có công từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa là 90.276 suất với tổng giá trị 33.801,100 triệu đồng, trong đó có 29.817 suất trị giá 11.726,632 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Cụ thể, tổng số quà tặng từ nguồn xã hội hóa qua các năm 2021 là 10.098 suất với tổng giá trị 3.601,906 triệu đồng; năm 2022 là 10.208 suất với tổng giá trị 4.501,815 triệu đồng; năm 2023 là 8.516 suất với tổng giá trị 3.277,511 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2024 là 995 suất với tổng giá trị 345,400 triệu đồng. Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/1947 - 27/7/2024, tỉnh Sơn La dành hơn 1,4 tỷ đồng để tặng quà cho khoảng 2.800 người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Đồng thời, trong các dịp này, khắp nơi trên địa bàn tình còn tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; giúp đỡ ngày công lao động; trợ giúp khó khăn đột xuất; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công.
Từ nguồn lực được hỗ trợ và vận động được, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Sơn La còn tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác dành cho người có công. Toàn tỉnh đã trao tặng 69 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 143,6 triệu đồng (Năm 2021 tặng 28 sổ với tổng trị giá là 32,6 triệu đồng; Năm 2022 tặng 37 sổ với tổng trị giá là 93 triệu đồng; Năm 2023 tặng 04 sổ với tổng trị giá là 18 triệu đồng).
Xây mới 10 nhà tình nghĩa với tổng số tiền 490 triệu đồng (Năm 2021: Không có; Năm 2022: xây mới 06 nhà với tổng trị giá là 210 triệu đồng; Năm 2023: Xây mới 04 nhà với tổng trị giá là 240 triệu đồng và sửa 05 nhà với tổng số tiền 88 triệu đồng cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La có 02 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, cụ thể: Công ty Điện lực tỉnh Sơn La phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Diệp ở thành phố Sơn La, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Lai ở Bắc Yên. Từ tháng 8 năm 2023 đến nay, tỉnh Sơn La còn 01 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.
Bằng tấm lòng, tình cảm, sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh xương máu, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực đóng góp, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và cải thiện đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2023 được tổng số tiền 11.053,792 triệu đồng (trong đó: Năm 2021: 4.329,208 triệu đồng; Năm 2022: 3.333,684 triệu đồng; Năm 2023: 3.390,900 triệu đồng).
Cùng với đó, từ năm 2021-2024, tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp 03 nghĩa trang liệt sĩ các huyện Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên; xây mới 06 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại các huyện Vân Hồ, Bắc Yên, Mai Sơn, Thuận Châu; chăm sóc các phần mộ; tu sửa, dọn dẹp, trồng thêm cây xanh, thay hoa,... tại các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ.
Với sự chung tay giúp sức của toàn xã hội bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, trong những năm qua, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công của tỉnh đã vượt lên thương tật, bệnh tật và khó khăn, phấn đấu vươn lên, cần cù, sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất bằng ý chí và nghị lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mang lại thu nhập cho gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã trở thành "hộ sản xuất kinh doanh giỏi”, “gia đình cách mạng gương mẫu”, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả kế hoạch xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng, từng bước giúp các hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Thống kê cho thấy, số hộ nghèo có thành viên là người có công của tỉnh theo rà soát năm 2022 là 103 hộ (trong đó có 29 hộ có thành viên là người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 25 hộ là người có công được tặng thưởng huân, huy chương). Trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện xoá nghèo, cận nghèo cho 60 hộ. Đến nay, tỉnh còn 43 hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người có công, trong đó có 33 hộ có thành viên là người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 10 hộ là người có công được tặng thưởng huân, huy chương.
Có thể khẳng định, phong trào xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở Sơn La luôn được thực hiện có hiệu quả, từng bước được xã hội hoá sâu rộng, huy động được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách. Nhờ đó, đời sống gia đình người có công với cách mạng đã được nâng lên, số hộ gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên đạt 99,6%; 82,4% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa’’, chăm sóc người có công đã trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phong phú, sáng tạo, là nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Minh Hằng