An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW
02:39 PM 28/10/2021
Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Cho ý kiến về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá cao Chính phủ, ngành BHXH trong việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong BHXH, BHYT. Cụ thể, cơ quan BHXH đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính, kết nối tích hợp trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, triển khai thực hiện thanh toán điện tử, đóng BHXH, BHYT; triển khai các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra…
Cũng theo đại biểu Giang, năm 2020 chi phí BHXH, BHTN đã được thực hiện theo Nghị quyết 28 về cải cách chế độ BHXH. Theo đó, chi phí quỹ BHXH, BHTN theo Nghị quyết 28 giảm dần. Năm 2019 là 2,15%; 2020 là 2%, năm 2021 là 1,85% và số tiền này được trích từ hoạt động sinh lời đầu tư của Quỹ BHXH, BHTN.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)
Thực hiện quy định của Nghị quyết 28  theo báo cáo ước chi phí BHXH, BHYT, BHTN năm 2020 là 12.782 tỷ đồng chiếm khoảng 27,28% số tiền sinh lời từ hoạt động Quỹ đầu tư năm 2020. Riêng chi phí BHXH, BHYT năm 2020 là 8.600 tỷ đồng trong đó chi quản lý BHXH là 8.000 tỷ đồng, chi phí quản lý BHTN là 622 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 1,74 và 1, 87% dự toán chi phí.
Đại biểu đánh giá cao việc ngành BHXH đã cắt giảm chi phí so với  quy định. “Tuy nhiên qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra cũng như báo cáo của Chính phủ việc cắt giảm so với năm 2019 xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển và quản lý Quỹ BHXH năm 2020 đều cao hơn so với năm 2019 trong khi tăng cường ứng dụng CNTT đạt hiệu quả thì mức giảm này chưa tương xứng”, đại biểu nêu rõ.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHTN trong bối cảnh tăng cường ứng dụng CNTT, chủ động sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn; giao Uỷ ban Thường vụ quyết định và chi phí quản lý phải gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và hiệu quả sinh lời của Quỹ”, đại biểu đề xuất.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang)  kiến nghị xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia BHXH tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đại biểu lý giải, do tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn trong khi thời gian tham gia BHXH dài, dẫn đến tâm lý người dân không muốn tham gia và khi đã tham gia thì có tâm lý muốn thôi không tham gia nữa để giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần. Do vậy tình trạng hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng lên, điều này gây tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Về chế độ BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đại biểu kiến nghị tăng mức tham gia BHXH từ lương cơ sở thành tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Đồng thời, bổ sung quy định cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia đầy đủ 5 chế độ là: Hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn - bệnh nghề nghiệp.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh: BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia. Năm 2020 BHXH có những kết quả vượt bậc, nhưng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH.
Đại biểu dẫn số liệu năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9% ).
Theo đại biểu, những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để giành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại.
Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Trong khí đó, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động.
"Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu nhấn mạnh người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.
Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất…”Nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân”, đại biểu cho biết.
Từ thực trạng trên, đại biểu Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở./.
Bích Liên
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công