An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Sôi nổi Phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”
02:29 PM 28/03/2023
(LĐXH)-Thời gian qua, Phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã huy động được đa dạng các nguồn lực để chăm lo và hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Hộ gia đình thi đua đã chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo hoặc giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác phát triển kinh tế và cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Đầu năm 2022, tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức "Tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo" năm 2022 (từ 15/4/2022 đến ngày 31/5/2022) nhằm huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Bước đầu đã có 51,5 tỷ đồng được gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đạt kế hoạch đề ra, góp phần bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Một hội viên phụ nữ ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp, thoát nghèo

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 876/KH-UBND ngày 03/5/2019 về thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” từ năm 2020 - 2025; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo như: Phân công các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành phố không có đường biên giới đỡ đầu, hỗ trợ các Đồn Biên phòng và các xã biên giới; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"; Tỉnh đoàn Tây Ninh với Quỹ "Thanh niên khởi nghiệp"; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đang triển khai 12 Chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 2.345 tỷ đồng. Năm 2021-2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 4.928 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách vay vốn ưu đãi với kinh phí trên 205 tỷ đồng; Hội Nông dân tỉnh với Quỹ "Hỗ trợ nông dân" hiện đạt 46,965 tỷ đồng được xét duyệt và đầu tư cho những hội viên, nông dân trên địa bàn đang có nhu cầu cần vay vốn để triển khai thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn để tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khuyến khích người nghèo tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; tăng cường công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin cho các vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật sự biến động của các hộ nghèo, đánh giá đúng nhu cầu, điều kiện thực trạng của hộ nghèo, có giải pháp cụ thể giúp đỡ từng hộ với phương án tối ưu như hỗ trợ về giống chăn nuôi, vốn buôn bán nhỏ hay cho mượn đất sản xuất để hộ nghèo tự sản xuất, buôn bán ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trong hai năm 2021-2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Uỷ ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ngành liên quan thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, Uỷ ban MTTQVN tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng và bàn giao 510 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 31 tỷ đồng cho hộ nghèo. Các ngành tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho 1.725 đối tượng thuộc hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, với tổng kinh phí trên 22,2 tỷ đồng.

Phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 cũng được các địa phương ở Tây Ninh thực hiện lồng ghép trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2021-2022, nhân dân ở các ấp, khu phố trên khắp các địa phương ở Tây Ninh đã đoàn kết tương trợ, hỗ trợ thường xuyên cho 1.268 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với số tiền trên 11,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ trị giá trên 9 tỷ đồng và hỗ trợ cây con giống cho 71 hộ trị giá 988 triệu đồng.

Nhìn chung, Phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ của tổ chức đã những việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực trong nhân dân; trong tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội tại địa phương.

Kết quả, năm 2022, tỉnh Tây Ninh tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương. Các cấp ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đã hỗ trợ đối tượng hộ nghèo không khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, giúp các hộ này có cuộc sống tốt hơn, Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1,09% (tương đương 3.499 hộ), tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% ( tương đương 1.037 hộ), cận nghèo là 0,77% (2.462 hộ). Với kết quả đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,74%, vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) và đạt mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,5%-0,7%. Tây Ninh được đánh giá nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã tặng Bằng khen cho 40 tập thể và 58 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua./.


Mỹ Hạnh


TAG: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tây Ninh Phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa