Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sóc Trăng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
01:47 PM 01/12/2022
(LĐXH) - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn

Theo đó, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quán triệt Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư. Đồng thời đẩy mạnh công tác  tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đầu tư, từng bước phát triển; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp tinh gọn; đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định. Quy mô, chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng lên; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19 

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Sóc Trăng đạt 60,4% (tăng 9,45% so với năm 2011); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55,3% (tăng 16,6% so với năm 2011); tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,1% (tăng 8,42% so với năm 2011); tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt 89,3% (tăng 19,3% so với năm 2011).

Công tác dạy nghề đáp ứng xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ và  hiệu quả. Người lao động tham gia học nghề được nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, có việc làm tạo thu nhập ổn định hơn, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 100% xã (80/80 xã) đạt tiêu chí số 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,66% (8.617 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 4,13% (4.140 hộ).

Tỉnh Sóc Trăng đào tạo nghề  may cung ứng cho Công ty May Nhà Bè tại Sóc Trăng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm  Đào, cho biết:  Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đạt được kết quả nêu là nhờ thực hiện đồng bộ các Chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, việc làm được ban hành và chỉ đạo thực hiện kịp thời. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng và chính sách trong lĩnh vực giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ vốn giải quyết việc làm sau học nghề,... được triển khai thực hiện đầy đủ, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, dạy nghề kết hợp dạy văn hóa trung học phổ thông. Đồng thời sự  phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể,... được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, có chiều sâu trong thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự chủ động, sáng tạo, mở rộng quan hệ, hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo từng bước được củng cố, hoàn thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như:

“Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nghề nghiệp ở một số xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng, chưa nắm bắt kịp thời yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý, giáo viên,... của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác điều tra, dự báo nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu học nghề, liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất.

Song song đó, Công tác xã hội hóa trong dạy nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương chưa được thực hiện; một số địa phương chưa xác định được ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hoạt động tham gia liên kết, phối hợp dạy nghề, tuyển dụng lao động sau dạy nghề của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành phong trào, khâu quan trọng trong quá trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là tuyến cơ sở, nên trong công tác chỉ đạo, điều hành từng lúc chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, bà Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh.

Mô hình đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm hiệu quả ở huyện Vĩnh Châu

Đến các  giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Vì vậy, để thực hiệt đạt mục tiêu kế hoạch đào tạo nghể cho lao động nông thôn theo Chỉ thị 19 của TW đề ra, trong thời gian tới, Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là lao động nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng  yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các văn bản chỉ đạo về công tác đào tạo nghề. Kiện toàn tổ chức, nhân sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp; nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý các cấp.

Hai là, Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là ý nghĩa, lợi ích của việc định hướng phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sang học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng các hoạt động về tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động; thông tin về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp lao động nông thôn có cơ hội học nghề, tìm việc làm, nâng cao đời sống.

Ba là, chủ động, linh hoạt thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, đào tạo tay nghề cao, dạy nghề cho lao động nông thôn và người lao động,... với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; đào tạo tay nghề cao cho thanh niên, người lao động trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực kinh tế thuộc tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh.

Mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cù Lao Dung  gắn với giải quyết việc làm bền vững được nhận rộng

Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng tích hợp các chính sách hiện hành về đào tạo nghề; trong đó, chú trọng hỗ trợ dạy nghề cho người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương,…

Năm là, chủ động triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án có liên quan đến công tác dạy nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án đang triển khai trên địa bàn như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đầu tư phát triển Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao; nâng cao chất lượng các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện.

Bảy là, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; liên kết, phối hợp với các viện, học viện, trường đại học, trường cao đẳng chất lượng cao để tổ chức, tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh, hiện đại”, “Nhà trường xanh”.

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp; đảm bảo kết nối, tích hợp, khai thác dữ liệu giáo dục nghề nghiệp với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp; Huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Phân bổ ngân sách phù hợp cho giáo dục nghề nghiệp trong các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại tỉnh; giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Chín là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế phát sinh trong công tác giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, , góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Vương Linh

 

 

 

TAG: Chỉ thị 19
Tin khác
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc