Hàng năm, tỉnh Sóc Trăng thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 2.178 trẻ em không nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 54 trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Toàn tỉnh có 118.801/121.049 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ 98,14%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành, cơ quan có liên quan chăm sóc, trợ giúp hơn 113.620 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 83 tỷ đồng. Tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho hơn 1.200 trẻ em, vận động hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho hơn 300 trẻ em bệnh tim, trẻ em bị tật vận động có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ thực phẩm, dinh dưỡng, học bổng, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, xe đạp, nhà tình thương, xây cầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Nhằm giảm thiểu trẻ em lao động sớm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và thực hiện có hiệu quả Kế thực hiện Chương trình giảm thiểu trẻ em lao động trẻ em trái quy định của pháp luật giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành có liên quan rà soát, nắm bắt tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện trợ giúp trẻ em lao động sớm và trẻ em lao động trái pháp luật; lồng ghép thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các hoạt động của các ngành, đơn vị nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.
Qua điều tra, rà soát, giai đoạn 2016 - 2020, số trẻ em phải bỏ học kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở giảm đáng kể so với giai đoạn trước, từ 890 trẻ năm 2015 xuống còn 605 trẻ năm 2020. Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 2.100 trẻ em tham gia lao động sớm. Hầu hết, trẻ lao động sớm đều sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con, gia đình có vấn đề xã hội, gia đìnhcó người mắc các tệ nạn xã hội và gia đình có cha mẹ đi làm ăn xa.
Trong năm 2021, thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong đó đề xuất mở rộng thêm 11 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được trợ cấp xã hội nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Trẻ em, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân. hỗ trợ 91 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Sóc Trăng đã vận động nguồn lực trao quà cho 1.560 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với kinh phí gần 600 triệu đồng.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 100% huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tổng số xã đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 77/109 xã, chiếm tỷ lệ 70,6%. Có 32 xã, phường, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 29,4%, do chưa đạt chỉ tiêu 3 và 5, ước đến cuối năm 2022 có 12 xã, phường, thị trấn được công nhận mới, nâng tổng số 89 xã, chiếm tỷ lệ 81,6%.
Với những nỗ lực, chung tay vì công tác trẻ em của các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng ở Sóc Trăng, trẻ em đã được chăm lo toàn diện hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, toàn tỉnh còn hơn 2.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần trợ giúp về các dịch vụ xã hội. Một số vụ việc bạo hành và xâm hại xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra… Thực tế này đòi hỏi công tác trẻ em phải tăng cường các giải pháp để phù hợp với tình hình mới./.
Trần Huyền