Sẽ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo
Theo đề cương dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), từ năm 2018 sẽ triển khai BHNN theo nguyên tắc tự nguyện và ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ phí cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Triển khai BHNN theo nguyên tắc tự nguyện
Báo cáo kết quả triển khai thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, sau 3 năm thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản (tôm, cá) đã đạt được kết quả đáng khích lệ, với 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm; tổng giá trị được bảo hiểm (BH) là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí BH là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường BH là 712,9 tỷ đồng.
Qua quá trình triển khai thí điểm cho thấy, BHNN là giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai BHNN mới dừng lại ở mức độ thí điểm tại một số địa bàn sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang tính đại diện của 20 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, do vậy mức độ tiếp cận BHNN của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên cả nước đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm BH để giảm thiểu các rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định về BHNN áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc triển khai BHNN trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp sẽ thúc đẩy DNBH triển khai BHNN hiệu quả, bền vững; người nông dẫn sẽ được lựa chọn DNBH và sản phẩm tham gia bảo hiểm phù hợp với nhu cầu.
Thực tế, mỗi năm ngân sách nhà nước (NSNN) phải chi khoản 11.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, tái sản xuất nông nghiệp (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng gần 3.000 tỷ đồng; riêng hỗ trợ con giống sau thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định 1442/QĐ-TTg là trên 400 tỷ đồng)....
Như vậy, việc thực hiện cơ chế BHNN khu vực tư nhân (các doanh nghiệp BH, doanh nghiệp tái BH) sẽ góp phần san sẻ gánh nặng cho NSNN trong trường hợp xảy ra thiệt hại, do các rủi ro đã được chuyển giao từ người sản xuất nông nghiệp sang khu vực tư nhân. Trong giai đoạn thí điểm nông nghiệp vừa qua, các rủi ro này cũng đã được san sẻ ra thị trường quốc tế thông qua các công ty tái bảo hiểm quốc tế.
Sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, NSNN chỉ hỗ trợ phí bảo hiểm (BH) cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và đã giao kết hợp đồng BH nông nghiệp với DNBH để BH cho các rủi ro thiên tai theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng BH đã phát sinh trách nhiệm BH.
Cụ thể, mức hỗ trợ kinh phí BHNN đối với hộ cận nghèo là 75% phí BH, đối với hộ nông dân nghèo là 90% phí BH, từ ngày 1/1/2018.
Đồng thời, để tạo thuận lợi cho người nông dân, việc chi trả kinh phí hỗ trợ được thực hiện thông qua DNBH. Theo đó, DNBH thực hiện các thủ tục đề nghị chi trả kinh phí hỗ trợ mua BH sau khi đã giao kết hợp đồng BHNN (đã phát sinh trách nhiệm BH) cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Bộ Tài chính, việc hỗ trợ phí BH cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo là các đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho họ có cơ hội đa dạng hóa các giải pháp tài chính để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DNBH và người dân; tăng cường năng lực quản lý, giám sát rủi ro của người dân để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Đồng thời tạo cơ hội cho DNBH tiếp cận đối tượng khách hàng mới, tiềm năng. Thiết kế được các sản phẩm BHNN đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, mang lại nhiều lựa chọn phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính của người sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng lực tài chính, hoàn thiện công tác quản trị rủi ro của DNBH./.
Theo Thời báo Tài chính
TAG: