Rà soát quy trình, thủ tục triển khai chính sách trợ giúp xã hội và tiếp cận đối với nhóm dân tộc thiểu số
(LĐXH) - Trong 2 ngày 21-22/3/2018 tại Đà Nẵng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Rà soát quy trình, thủ tục triển khai chính sách trợ giúp xã hội và tiếp cận đối với nhóm dân tộc thiểu số” dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Nguyễn Nguyệt Nga chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới; đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo; Ủy Ban Dân tộc...
Tham dự hội thảo còn có TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam... và các chuyên gia tư vấn dự án...
Với mục tiêu đánh giá kết quả thí điểm thực hiện chính sách và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội; khuyến nghị lộ trình đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt giải pháp chính sách nhằm tăng cường tiếp cận của các nhóm dân tộc thiểu số tới các chương trình trợ giúp tiền mặt, Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 14/4/2017 tại Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết: Đề án tập trung vào ba hợp phần cơ bản là chính sách trợ cấp xã hội (trong đó đã tích hợp các chính sách trợ cấp tiền mặt hợp lý khác, đề xuất bỏ chính sách trợ cấp tiền mặt chưa hợp lý); trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội (bao gồm cả cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng và cơ sở trợ giúp xã hội). Trong đó, mở rộng phạm vi chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo hướng tiếp cận phổ quát, hoàn thiện chính sách trợ giúp thường xuyên đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chính sách trợ giúp đột xuất đối với nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị cưỡng bức lao động, trẻ em lang thang.
Mặt khác, Đề án số 488 là đề án khung với mục tiêu dài hạn, tầm nhìn chiến lược với những sáng kiến đổi mới trong cả ba lĩnh vực trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất và chăm sóc xã hội, cần sự tham gia của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, phạm vi đối tượng chịu tác động lớn trong đó bao gồm nhiều nhóm dân cư, kể cả trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.
Chính vì vậy, để thật sự khả thi trong lộ trình đổi mới chính sách, huy động nguồn lực, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp và các cơ quan thì cần có một bản Kế hoạch hành động thực hiện tổng thể, một lộ trình cụ thể trong đó xác định cụ thể về từng hoạt động công việc cần làm, bao gồm: sự cần thiết, mục tiêu, chỉ tiêu, hoạt động cụ thể, trách nhiệm thực hiện, phối hợp, nguồn lực, thời gian. Xây dựng một Kế hoạch chiến lược đổi mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, cách tiếp cận Lý thuyết về sự Thay đổi cần được áp dụng nhằm xây dựng một khuôn khổ thay đổi chính sách làm cơ sở cho việc xác định những loại hoạt động/can thiệp nào dẫn đến các kết quả/thay đổi chính sách và được coi là những điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu dài hạn ở tất cả các cấp.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: