An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, tạo sinh kế cho người dân ở Hà Giang
10:09 AM 05/08/2023
(LĐXH)- Dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2 được triển khai từ ngày 1/3/2023 nhằm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; đồng thời, giải phóng đất đai để tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống có đất canh tác, ổn định cuộc sống.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh, trong đó, số lượng bom, mìn, vật nổ hiện còn nằm rải rác nhiều nơi. Bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh thực sự là mối nguy hiểm, đe dọa sự sống của người dân và ảnh hưởng tới cả tình hình an ninh trật tự, sự bình yên của những vùng quê.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có  khoảng 220 nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), có hàng chục người không may bị thương tật bởi bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong lúc đi rừng, đi làm nương… Nhiều gia đình có người bị thương tật, bị mất một chân, một tay, bị mảnh bom, đạn găm vào người, bị hỏng một mắt; thậm chí có những người bị mất cả hai chân vì hai lần đạp trúng bom, đạn.
Đưa bom, mìn đã được tháo, gỡ về về nơi tập kết.
Ông Bồn Văn Hòn (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy) bị thương tật mất cả hai chân do không may đạp trúng bom, mìn trong lúc làm nương. Từng là trụ cột trong gia đình nhưng do bom, mìn còn sót lại, ông đã trở thành gánh nặng của gia đình. Dù đã cố gắng quen dần với đôi chân giả nhưng ông Hòn cũng chỉ phụ giúp được gia đình những việc nhẹ như nấu cơm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Hòn chia sẻ: “Tôi rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ chúng tôi. Vì khu vực chúng tôi sống vẫn còn nhiều người bị nạn bởi bom mìn, có người hỏng mắt, có người mất tay, có người bị mảnh bom, đạn găm trong người chưa lấy được ra.”.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và tỉnh Hà Giang, Dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2 được triển khai từ ngày 1/3/2023.
Theo Thượng tá Trần Huy Thục, Dự án được triển khai nhằm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; đồng thời, giải phóng đất đai để tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống có đất canh tác, ổn định cuộc sống.
Rà phá bom, mìn
Dự án có 8 đơn vị tham gia với trên 500 cán bộ, chiến sỹ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ rà phá 1.500ha trên các xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và hai xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ).
Thượng tá Trần Huy Thục, Trưởng Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết suốt 10 năm chiến tranh (1979-1989), quân ta và quân địch thay nhau chiếm các điểm cao có lợi, việc bố trí bom mìn, vật nổ rất đa dạng, không theo sơ đồ. Vì vậy, việc dò tìm, rà phá rất khó khăn. Tổng diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh là khoảng 90.000ha.
Trung tá Nguyễn Thành Nam, Chỉ huy trưởng công trường Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xử lý bom, mìn, vật nổ 319, cho biết đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ với trên 200 cán bộ, chiến sỹ, nhân viên.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị đã gặp không ít khó khăn do địa bàn tương đối rộng, địa hình hiểm trở với nhiều núi cao, rừng rậm; cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, sương mù.
Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất có thể, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, nhân viên trong đơn vị đã khắc phục khó khăn đảm bảo an toàn từ công tác phát hiện, xử lý, thu gom về vị trí an toàn, từng bước bàn giao cho đơn vị bạn thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo như tìm kiếm, quy tập hài cốt và các nhiệm vụ khác.
Trung tá Nguyễn Thành Nam cho biết thêm sau hơn 4 tháng nỗ lực, đơn vị đã thu được trên 3.300 quả bom, đạn, vật nổ với nhiều chủng loại, phổ biến là các loại đạn pháo 105 mm; đạn cối 60mm, 80mm, 100mm, 120mm, đạn M79; lựu đạn các loại và nhiều loại mìn vướng nổ, đè nổ khác.
Đối với địa bàn một tỉnh biên giới như Hà Giang, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhận thực rõ mỗi người dân ở biên giới là một “cột mốc sống” để bảo vệ biên giới. Khi người dân có đất để canh tác, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, an ninh biên giới được bảo đảm. Bởi vậy, đơn vị sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.
Sau hơn 4 tháng thực hiện nhiệm vụ, đến nay, các đơn vị đã rà phá được khoảng 400ha; phát hiện, xử lý, thu gom an toàn hàng chục ngàn bom đạn, vật nổ các loại, nhiều chủng loại vẫn có thể phát nổ.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2026 ./.
Hải Uyên
 
TAG: tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn
Tin khác
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu