Ra mắt tiểu thuyết “Núi mẹ” của tác giả là một cựu tử tù hình sự
(LĐXH) Ngày 19-10, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện đặc biệt của “làng văn” Việt Nam: Ra mắt tiểu thuyết “Núi Mẹ” của tác giả Nguyễn Đức Nguyên - người từng bị kết án tử hình.
Buổi ra mắt sách do Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Chi hội Nhà văn Công an, Tạp chí Môi trường và Đô thị đồng tổ chức.
Tham dự buổi lễ có Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập báo CAND; Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản CAND; ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị cùng đông đảo nhà văn, nhà báo, gia đình thân hữu của tác giả.
Nguyễn Đức Nguyên sinh năm 1962, quê gốc ở Nam Trực, Nam Định, lớn lên tại thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, từng là một phạm nhân bị kết án tử hình, được Chủ tịch nước tha tội chết.
Năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên được hưởng đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng sau 16 năm 7 tháng thi hành án. Khả năng viết văn của Nguyễn Đức Nguyên được phát hiện trong một cuộc thi viết do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tổ chức dành cho phạm nhân có chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”.
Dù tác phẩm của Nguyễn Đức Nguyên nộp muộn không được chấm giải nhưng trong thư gửi ban tổ chức, Nguyễn Đức Nguyên đã đề đạt nguyện vọng viết tiểu thuyết lịch sử. Những trang viết đầu tiên của “Núi Mẹ” được thai nghén từ những ngày tháng trong tù. Sau đó, Nhà xuất bản CAND đã đề xuất Trung tướng, nhà văn Hữu Ước – Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an để Nguyễn Đức Nguyên tham gia trại viết cuộc thi “Cây bút Vàng” lần thứ 2 được tổ chức tại Hải Phòng.
Trung tướng Hữu Ước đã nhiêt tình ủng hộ đề xuất của Nhà xuất bản. Tại trại viết, ông còn gặp gỡ, động viên Nguyễn Đức Nguyên tự tin hơn trong sáng tác và gửi tác phẩm tham dự cuộc thi. Chính những ngày tháng ở trại viết này, với sự giúp đỡ của ban tổ chức, các hội viên là nhà văn đã thành danh, Nguyễn Đức Nguyên đã hoàn thành tác phẩm “Núi Mẹ”.
Chia sẻ về tác giả của tiểu thuyết “Núi Mẹ”, Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, người đã phát hiện và “đỡ đầu” cho tác phẩm của Nguyễn Đức Nguyên cho biết: "Nguyễn Đức Nguyên “có một số phận chẳng giống ai”. Mới 55 tuổi đời nhưng những gì mà anh đã phải trải qua thật là khủng khiếp. Có tới 4 lần bị bắt, 4 lần ngồi tù với tổng cộng thời gian hơn 22 năm 9 tháng trong trại giam. Tức là hơn một nửa cuộc đời Nguyễn Đức Nguyên đã sống là… ở trong tù. Trong đó, có tới hơn 500 ngày đêm ngồi trong phòng biệt giam, thấp thỏm chờ bị giải ra pháp trường thi hành án tử hình…
"Việc một người đàn ông thấp bé, giọng nói nhỏ nhẹ, khuôn mặt hiền lành như Nguyên mà từng bị án tử hình, từng được Chủ tịch nước tha tội chết, giảm xuống chung thân rồi đặc xá đã kiên trì, nhẫn nại hì hục viết cuốn sách mấy trăm trang thật khó tưởng tượng và hình dung được…”.
Tiểu thuyết “Núi Mẹ” được xuất bản và ra mắt bạn đọc cũng là thành quả đầu tiên được giới thiệu đến công chúng sau hành trình dài của những người lính Công an, trong đó có các nhà văn Công an nhằm giúp đỡ một cựu tử tù vượt lên chính mình để hoàn lương.
Bao gồm gần 400 trang sách, “Núi Mẹ” viết về thân phận những con người dưới chân Núi Mẹ, một vùng đất xứ Lạng từ trước Cách mạng tháng Tám cho đến giai đoạn Việt Minh mở rộng địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân tham gia cách mạng.
Tiểu thuyết được bố cục theo 11 chương. Nói theo cách của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước là ngoài vốn sống phong phú được chuyển tải trong tập sách, “Núi Mẹ” rất giàu ngôn ngữ điện ảnh.
Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chia sẻ: "Chất sử thi thấm đẫm trong “Núi Mẹ”, từ thiên nhiên, cảnh vật đến con người. Nổi bật là những con người yêu nước, quả cảm, bất khuất, kiên cường, đầy lòng bao dung, nhân hậu...
Trong lòng "Núi Mẹ" đã âm thầm nuôi dưỡng những người con Lạng Sơn quả cảm, yêu nước, giàu đức hy sinh... Nhiều cuộc đời, nhiều số phận đã thể hiện dưới ngòi bút của một người con xứ Lạng. Đọc tiểu thuyết “Núi Mẹ”, điều dễ nhận thấy tình cảm tri ân của những tác giả hiện lên trong từng câu chữ vùng đất nuôi dưỡng mình. Những trang viết thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, miền đất vùng biên cương của Tổ quốc...".
Cũng theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng: “Mặc dù là tiểu thuyết đầu tay của một cây bút non trẻ, nhưng Núi Mẹ thấm đẫm chất sử thi về một vùng đất nổi tiếng anh hùng của tỉnh Lạng Sơn. Tôi cho rằng người viết tỏ ra khá am hiểu về địa chí, lịch sử và văn hóa của vùng đất này và có khả năng diễn đạt tốt. Tác phẩm đã cố gắng thể hiện nhiều cuộc đời và số phận của người dân ở vùng biên cương phía Bắc đất nước. Có thể nhận ra những trang viết thấm đẫm tình yêu con người, thiên nhiên của miền đất Xứ Lạng. Với cảm hứng biết ơn và tri ân vùng đất đã sinh ra nuôi mình trưởng thành, Nguyễn Đức Nguyên đã dày công dựng lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và hào hùng của quân dân vùng biên ải. Điều ấy chứng minh người cựu tử tù hình sự này có tình yêu nồng cháy với mảnh đất biên cương nơi gia đình anh sinh sống. Có thể, những trang viết của anh chưa đạt tới chuẩn mực văn học nghệ thuật, nhưng giá trị của nó, theo tôi, đã vượt qua một cuốn sách thông thường bởi nó chuyển tải thành công một thông điệp nhân văn: Dù con người ta có thể gây ra tội lỗi, sai lầm tới đâu, nhưng sau khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, được Nhà nước ân xá, thì khi họ trở về, hòa nhập với cộng đồng và xã hội, vẫn có thể đóng góp những điều tốt đẹp, trong khả năng của mỗi người. Tác giả của tiểu thuyết “Núi Mẹ” là một ví dụ cụ thể. Viết sách là công việc nhọc nhằn, đòi hòi không chỉ trình độ, năng khiếu mà con cả đức tính kiên trì. Viết tiểu thuyết lại càng khó hơn. Những người bình thường, không phải ai cũng làm được. Nguyễn Đức Nguyên có tố chất của một nhà văn…”
Được biết, khi tiểu thuyết “Núi Mẹ” ra mắt bạn đọc, tác giả Nguyễn Đức Nguyên đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, anh vẫn rất lạc quan và khẳng định sẽ tiếp tục viết phần 2 của tiểu thuyết. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cũng chia sẻ rằng ông sẽ chuyển thể “Núi Mẹ” thành kịch bản sân khấu và đây sẽ là món quà nhiều ý nghĩa mà ông dành tặng tác giả Nguyễn Đức Nguyên trước thềm mùa xuân mới năm 2018.
Thảo Lan
TAG: