Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Ra mắt sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam” phiên bản tiếng Anh
03:42 PM 12/07/2019
(LĐXH) Sáng ngày 12/7/2019 tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Nhà xuất bản Thế Giới và Nhóm cựu chiến binh “Trái tim Người lính” tổ chức buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử “American Pilots in Vietnam” (Phi công Mỹ ở Việt Nam), ra mắt sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” - phiên bản tiếng Anh và công bố Cuộc vận động Sưu tầm Kỷ vật, Di vật và Tư liệu liên quan đến các cựu binh Mỹ và Việt Nam.
Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 24 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và kỷ niệm tròn 75 năm lịch sử quan hệ Việt - Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; nhằm tri ân và tôn vinh những người lính đã ngã xuống, bị thương tật suốt đời, hoặc hi sinh cả tuổi thanh xuân ngoài chiến trường, ở cả hai phía, trong những cuộc chiến kéo dài 20 năm của thế kỷ trước,
Chủ trì buổi họp mặt có: Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”; Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới; bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia III; đại diện Nhóm CCB “Trái tim Người lính” và Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng - Tác giả cuốn sách.
Tham dự chương trình có các nhân chứng tiêu biểu: Một số Tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã trực tiếp chiến đấu với lính bộ binh Mỹ trên chiến trường, cựu Trại trưởng, cựu Quản giáo Tù binh Mỹ tại Hỏa Lò, một số cựu Phi công MIG 21 đã trực tiếp không chiến với Phi công Mỹ trên bầu trời miền Bắc; một số cựu cán bộ Ngoại giao…
Trước khi vào nội dung chương trình chính thức, thay cho phần văn nghệ chào mừng, từ 8:30 Ban Tổ chức đã cho trình chiếu một số phim tư liệu về lịch sử quan hệ Việt – Mỹ 75 năm qua, do Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện.

Ban tổ chức chia sẻ quá trình chuẩn bị thực hiện chương trình

Gặp mặt nhân chứng lịch sử “American pilots in Vietnam”
Vào đúng ngày này cách đây 24 năm, ngày 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trang trọng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ…Nhưng sự thật, thì lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã có từ 75 năm trước, do Lãnh tụ Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1944.  
Theo tinh thần của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973, Mỹ đã rút các binh sĩ của mình tại miền Nam Việt Nam và 2 năm sau đó, miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Nhưng khoảng 3 triệu người Việt Nam và 58.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Chỉ riêng lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ đã có hàng ngàn máy bay bị bắn rơi và hàng trăm phi công bị bắt làm tù binh. Cũng trong năm 1973, Việt Nam đã trao trả cho phía Hoa Kỳ toàn bộ số tù binh phi công nói trên.
Một tư liệu thống kê từ phía Mỹ cho biết: Trong số 591 tù binh chiến tranh được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ từ miền Bắc Việt Nam năm 1973, về thành phần, thì có 325 người thuộc lực lượng Không quân, 138 người thuộc lực lượng Hải quân, 26 người trong lực lượng Thủy quân lục chiến và 77 người thuộc các lực lượng khác của quân đội Mỹ. Ngoài ra, còn có 25 người là nhân viên dân sự của các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam. Xét về địa điểm trao trả, ngoài sân bay Gia Lâm - Hà Nội là chính, cùng thời gian trên, còn có 81 tù binh Mỹ được trao trả từ các địa chỉ khác: 69 người được Chính phủ Cách mạng lâm thời tổ chức trao trả tại miền Nam Việt Nam, họ đã lên máy bay từ Lộc Ninh. Ngoài ra, còn có 9 tù binh đã được trao trả từ Lào và 3 tù binh nữa được trao trả từ Trung Quốc... Nhiều người trong số các tù binh được Việt Nam trao trả đó đã tiếp tục phục vụ trong Quân đội Mỹ, được thăng tới hàm Tướng. Một số ít người đã tham gia hoạt động chính trị và trở thành yếu nhân, thậm chí còn là ứng cử viên tranh cử Tống thống Mỹ…
Sau ngày 30/4/1975, cùng với việc xây dựng đất nước trong hoà bình, với truyền thống nhân đạo, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ để tổ chức các cuộc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Kể từ năm 1985 tới nay, Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam cùng Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) đã tìm được 727 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Thông tin trên được Đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra trong một thông báo vào sáng 25/6/2019. Chính phủ Mỹ và một số tổ chức nhân đạo cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề ô nhiễm bom mìn và chất độc hóa học…
Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng (người đứng giữa), tác giả của cuốn sách
"American Pilots in Vietnam"
Ra mắt cuốn sách “American Pilots in Vietnam” (“Phi công Mỹ ở Việt Nam” phiên bản tiếng Anh)
“Phi công Mỹ ở Việt Nam” là công trình được tác giả Đặng Vương Hưng dày công sưu tầm tư liệu thực hiện trong 16 năm (1997 - 2013). Bản tiếng Việt được ấn hành thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2010, với 320 trang khổ nhỏ. Năm 2013, cuốn sách được chỉnh sửa, bổ sung thêm tư liệu, nâng độ dày lên 424 trang khổ lớn, in chính thức và được tái bản nhiều lần, là một trong những tác phẩm được tìm đọc nhiều nhất của nhà văn Đặng Vương Hưng.
Ngày 13/12/2013, với sự trợ giúp của Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", Nhà xuất bản Công an nhân dân và Gia đình cố Thượng tướng Đào Đình Luyện, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân đã trang trọng diễn ra buổi gặp mặt các CCB và giới thiệu phiên bản tiếng Việt “Phi công Mỹ ở Việt Nam”. Tại buổi gặp mặt trang trọng ấy, Trung tướng, TSKH, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Chủ tịch Hội đồng Quản lý “Quỹ Mãi mãi tuổi 20” đã phát biểu khai mạc; Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục III - Bộ Công an đã đọc lời đề dẫn tác phẩm và nhấn mạnh: “Phi công Mỹ ở Việt Nam - Cuốn sách nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn! Vấn đề “Tù binh Phi công Mỹ ở Việt Nam” từ lâu đã được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do liên quan đến bí mật quân sự, đến công tác ngoại giao và an ninh quốc gia… mà đề tài này trong suốt một thời gian dài khi đất nước có chiến tranh, nhất là trong Kháng chiến chống Mỹ, luôn được các tác giả Việt Nam coi là “nhạy cảm” và rất ít được nói đến trong các tác phẩm phát hành công khai.
Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, tác giả của cuốn sách này từng là một Nhà báo chuyên viết phóng sự và tư liệu về đề tài chiến tranh. Ông cũng là tác giả ý tưởng, người khởi xướng và trực tiếp tổ chức nhiều cuộc vận động độc đáo: Sưu tầm và Giới thiệu những kỷ vật kháng chiến (2008 - 2010) của Bộ Quốc phòng; Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 - 2015) của Bộ Công an... Do yêu cầu công việc, tác giả đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân chứng, tài liệu “tuyệt mật” một thời của cả phía Việt Nam và phía Mỹ.
Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin “hậu trường chính trị”, nhưng lại mang tính “bên lề sân cỏ”, góp phần “giải mã” cho những bí mật nêu trên, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã dành tâm huyết nhiều năm để hoàn thành cuốn sách này, với những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc.
Phiên bản tiếng Anh của “Phi công Mỹ ở Việt Nam” được thực hiện chuyển ngữ và hiệu đính từ năm 2018. Do hướng tới đối tượng bạn đọc chủ yếu là người nước ngoài sang Việt Nam du lịch và làm việc, nên cuốn sách đã được tác giả chủ trương trình bày và ấn hành gọn nhẹ nhất trong điều kiện cho phép. Sách dày 300 trang, khổ 12,5 x 20 cm, được in trên loại giấy xốp nhẹ.
Một điều đặc biệt, là cả ngàn bản in đầu tiên của “American Pilots in Vietnam” đều có chữ ký bằng mực tươi, do chính tác giả nhà văn Đặng Vương Hưng lưu bút. Sách được phát hành bởi Art Book (53 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội). Cuốn sách cũng sẽ được giới thiệu tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Bảo tàng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Chiến thắng B-52 Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,…
Với mong muốn góp phần giải mã lịch sử, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, “American Pilots in Vietnam” không chỉ là cuốn sách mang thông điệp nhân văn, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 75 năm Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, 24 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước, mà còn mang ý nghĩa tri ân và tôn vinh những người lính đã ngã xuống, bị thương tật suốt đời, hoặc hi sinh tuổi thanh xuân ngoài chiến trường, ở cả hai phía.

Khách mời và Ban tổ chức chương trình chụp ảnh lưu niệm

Cuộc vận động sưu tầm hiến tặng Kỷ vật, Di vật và Tư liệu liên quan đến các cựu binh Mỹ và Việt Nam
Sau khi quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam được bình thường hóa, thông qua các tổ chức phi Chính phủ và Chính phủ Mỹ, nhiều cựu binh Mỹ cùng thân nhân gia đình họ đã trở lại thăm Việt Nam, mang theo các kỷ vật và di vật chiến tranh để trao trả cho phía Việt Nam. Trong đó, có tư liệu về nội dung cuốn nhật ký nổi tiếng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (bản gốc hiện đang lưu trữ tại Mỹ). Tại cuộc ra mắt “Nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn - Trở về từ phía bên kia”, được tổ chức vào ngày 17/9/2010, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hồi đó, ngài Michael Michalak đã trao bổ sung 3 bức tranh còn thiếu trong cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn. Một ví dụ khác: Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam do một cựu binh Mỹ là Patrick Mc Makin từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970, trao lại thông qua Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 6/2012, ông Ira Robert Frazure - một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã thông qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trao lại cho Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 6/2012, những di vật của liệt sĩ Liệt sĩ Vũ Đình Đoàn cho thân nhân gia đình ở Hải Dương…
Thực tế, trong những năm qua, đã có hàng ngàn Kỷ vật, Di vật, Tư liệu quý mang giá trị nhân văn và thiêng liêng, đã được các cựu binh Mỹ trao lại cho các Bảo tàng của Việt Nam và thân nhân các gia đình liệt sĩ ở khắp các địa phương, tỉnh thành trên cả nước…
Nhân kỷ niệm 75 năm lịch sử quan hệ Việt – Mỹ (1944 – 2019) và tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam (1975 – 2020), theo sự khởi xướng đề xuất của Nhà văn CCB Đặng Vương Hưng, để chung tay làm lành những vết thương chiến tranh, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người vẫn còn mang chịu nỗi đau chiến tranh giữa thời bình; Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam và Nhóm “Trái tim người lính” phối hợp phát động cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng Kỷ vật, Di vật và Tư liệu liên quan đến những cựu binh Mỹ và Việt Nam.
Ban Tổ chức cuộc vận động mong muốn nhận được sự ủng hộ sưu tầm, hiến tặng kỷ vật - di vật và tư liệu từ phía các tổ chức, cá nhân, cựu chiến binh, thân nhân các gia đình Thương binh liệt sỹ trong cả nước.
Thời gian tiếp nhận hiện vật:
Đợt 1: từ 15/7/2019 đến 30/4/2020.
Địa chỉ tiếp nhận các Kỷ vật, Di vật và Tư liệu:
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: 34 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội. Hotline: 02437629791 hoặc 02437626620;
2. Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam: 1802A, Cao ốc M3 M4, 91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội; Hotline: 0912 233 702;
3. Nhóm CCB “Trái tim người lính”: Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng (ĐT: 0913 210 520, facebook Đặng Vương Hưng, Email: dangvuonghung@gmail.com); hoặc Đại tá, Nhà báo Ngô Văn Học (ĐT: 0986 786 626, facebook Ngô Văn Học);
4. Nhà báo Trần Thu Trang - Chương trình “Những giải mã mang tên Việt Nam” – Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam – 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội – Hotline: 0973457673 / 0988121202;
Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ mở chuyên mục “Những kỷ vật chiến tranh và góc nhìn đa chiều”; đồng thời, bảo trợ truyền thông cho các nhân vật, sự kiện, liên quan đến cuộc vận động sưu tầm nêu trên.
Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” sẽ thành lập Hội đồng Sưu tầm và Biên soạn bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam tuyển tập” dày hàng ngàn trang in khổ lớn, do Nhà văn Đặng Vương Hưng làm Chủ biên. Bộ sách sẽ quy tụ những tác phẩm nhật ký thời chiến hay nhất từ trước tới nay. Đồng thời, Quỹ cũng sẽ sử dụng các câu chuyện giá trị phi vật thể của các Kỷ vật, Di vật và Tư liệu mới sưu tầm được để biên soạn, xuất bản các ấn phẩm cho “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20”.
Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam sẽ khai thác, sử dụng những kỷ vật và câu chuyện đặc biệt liên quan đến kỷ vật và nhân chứng của cuộc chiến tranh Việt Nam trong series chương trình “Những giải mã mang tên Việt Nam” (bản quyền thuộc Đài Truyền hình Việt Nam).
Các Kỷ vật, Di vật và Tư liệu sau khi được hiến tặng, sẽ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hỗ trợ bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn để lưu giữ cho các thế hệ sau. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ phối hợp với các cơ quan, cá nhân liên quan thu thập, kết nối, tìm kiếm thông tin để trao trả lại kỷ vật của những người lính Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại Mỹ và trao trả kỷ vật của những người lính Mỹ hiện đang lưu trữ tại Việt Nam.
Kết thúc đợt I của cuộc vận động, các kỷ vật, di vật và tư liệu này sẽ được tổng hợp, trưng bày trong chuỗi các triển lãm do các cơ quan Lưu trữ của Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp thực hiện tại hai nước, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2020).
Thảo Lan

 

TAG:
Tin khác
Chuỗi phim Ghibli khuấy đảo phòng vé ra rạp chiều lòng fan phim anime
Vợ chồng tỷ phú Bích Tuyền quyết kiện Đàm Vĩnh Hưng đến cùng
'Sân chơi' thúc đẩy thế hệ trẻ gìn giữ và lan tỏa văn hóa Việt
Vietnam Airlines triển khai dịch vụ check-in thẳng chuyến bay quá cảnh Hong Kong
'Shogun' vượt 'Squid Game', giành 4 giải Quả Cầu Vàng 2024
FIFA đăng bài chúc mừng đội tuyển Việt Nam bằng tiếng Việt
Sao Việt vỡ òa khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2024
Thiều Bảo Trâm chia tay bạn trai kém 10 tuổi
Sao Việt hậu 'dao kéo': Người thăng hạng, người gây tiếc nuối