Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Ra mắt khán giả vở diễn nghệ thuật “Mỵ”
11:48 AM 13/09/2018
(LĐXH) Ngày 12/9, Công ty Nam Hưng Media phối hợp với Nhà Hát Lớn Hà Nội tổ chức họp báo chuẩn bị ra mắt vở diễn "Mỵ" tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội).
Chia sẻ thông tin về dự án hợp tác này trong buổi họp báo ra mắt Nam An Show vào sáng ngày 12/9, ban tổ chức cho biết, “Mỵ” là vở diễn nghệ thuật tổng hợp mở đầu cho Dự án Nam An Show, do Nam Hưng Media phối hợp với Nhà hát lớn Hà Nội xây dựng thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa; kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ thuật xiếc; nghệ thuật sắp đặt với sự thể hiện của các nghệ sỹ tài năng của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc…
Gặp gỡ báo chí thông tin về vở diễn nghệ thuật "Mỵ"
Theo ông Nguyễn Thành Nam – Tổng giám đốc Nam Hưng Media, Nam An Show chú trọng vào khai thác những nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc anh em và 6 vùng văn hóa Việt Nam, từ đó lựa chọn, sáng tạo và phát triển thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo trình diễn cho phù hợp với thị hiếu giải trí của khách du lịch nước ngoài, vừa kết hợp quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Với mong muốn giới thiệu đến khản giả trong nước và quốc tế bản sắc văn hóa dân tộc Mông; cũng như có thêm sản phẩm văn hóa để giới thiệu với du khách trong tour du lịch thăm quan Nhà hát lớn, Nam Hưng Media đã hợp tác với Nhà hát lớn Hà Nội xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Và Nam An Show là dự án hợp tác đầu tiên được kỳ vọng sẽ làm hài lòng du khách trong và ngoài nước.
“Mỵ” vẽ lên bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những người con nơi núi rừng Tây Bắc.
Từ quãng đời tủi khổ, câm lặng của Mỵ và A Phủ trong những đêm dài đen tối dưới ách thống trị tàn bạo của bọn chúa đất phong kiến cùng với tư tưởng thần quyền như giết chết mọi ước mơ, khát vọng, làm tê liệt cả ý thức lẫn cảm xúc của con người. Thế nhưng, những kiếp người cơ cực ấy đã truyền lửa sống và cùng nhau vùng dậy can trường từ bóng tối của cuộc đời đau khổ, tủi nhục, chạm tới ánh sáng của nhân phẩm, tự do để được sống, được yêu, được hạnh phúc trên chính mảnh đất núi rừng quê hương.
Một cảnh trong Vở diễn "Mỵ"
Nghệ sĩ múa Tuyết Minh cho biết: Để vở diễn vẫn đậm nét văn hóa của người Mông nhưng lại mang hơi thở của đời sống hiện tại. Chị và ê kíp múa đã sáng tạo trong một vài trường đoạn đưa nghệ thuật múa đương đại vào tác phẩm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, vở diễn nghệ thuật “Mỵ” đã được nhà sản xuất và nghệ sĩ múa Tuyết Minh xây dựng trong hai năm. Vở diễn sẽ nhắm đến khán giả là khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan nhà hát Lớn Hà Nội.
“Theo kế hoạch của chúng tôi, từ giờ đến cuối năm 2018, vở diễn “Mỵ” sẽ được công diễn 10 buổi tại Nhà hát Lớn với thời lượng full vở diễn là 75 phút. Còn với những buổi diễn theo tour thì ê kíp sẽ thu gọn trong thời lượng là 30 phút để phù hợp với khách du lịch quốc tế".
Cũng theo ông Nguyễn Thành Nam, 10 buổi công diễn này chỉ mang tính chất quảng bá tác phẩm chứ chưa hẳn đặt nặng về doanh thu nên giá vé sẽ không quá đắt và có nhiều giá vé khác nhau tại Nhà hát Lớn.
Với kinh phí đầu tư lên tới gần 3 tỷ đồng, buổi công diễn đầu tiên của vở diễn nghệ thuật “Mỵ” được ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối ngày 26.9.
Nội dung vở diễn nghệ thuật “Mỵ” sẽ được chia làm 3 phần. Phần 1 với tựa đề “Lời yêu trên đỉnh núi” sẽ là những nét văn hóa đặc trưng, đời sống sinh hoạt của người Mông như chợ phiên với những âm thanh vui nhộn, những dụng cụ lao động, cối giã gạo, sàng ngô, mõ trâu, ống bương, sàng thóc…tiếng khèn, tiếng sáo mèo, đàn môi, kèn lá…tục ăn thắng cố...
Phần hai là điểm nhấn, cao trào trong vở diễn với tựa đề “Con ma nhà Thống Lý”. Câu chuyện của Mỵ được dẫn dắt qua sự đối lập giữa lối sống xa hoa của chúa đất Mông thống quản với thân phận nhỏ bé của những cô gái nghèo bị ép về làm dâu theo phong tục cướp vợ của người Mông. Sự đối lập giữa tự do, hưởng thụ vật chất xa hoa của tầng lớp thống trị với sự giày vò đau đớn về thể xác, người đàn bà ấy không còn ý thức được về thời gian, tuổi tác và cuộc sống, chẳng biết đến mùa Xuân, chẳng đi chơi Tết…không tình yêu, không khát vọng, thậm chí là nhân vật điển hình cho thân phận người nô lệ cay đắng, xót xa mà Mỵ là nhân vật điển hình cho thân phận người phụ nữ vùng cao Tây Bắc…
Phần 3 sẽ là Chạy đi. Từ bóng tối của cuộc đời đau khổ, tủi nhục, Mỵ và A Phủ cùng nhau chạy về miền đất mới vươn tới ánh sáng của nhân phẩm, tự do và vững niềm tin vào tương lai hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, sang năm 2019, vở diễn sẽ được công diễn định kỳ gắn với tour thăm quan Nhà hát lớn Hà Nội. Hoạt động này không chỉ nhằm giới thiệu đến du khách công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đương đại.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
Tiếp tục vun đắp truyền thống đoàn kết, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa
BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024: Sự kiện đẳng cấp cho các vận động viên và cộng đồng tại Việt Nam
Giao lưu văn hóa, du lịch Việt – Trung: Nhịp cầu kết nối nhân dân hai nước
Triển lãm Hương Vị Italia: Cầu nối văn hóa ẩm thực Ý – Việt
Thạc sĩ Vũ Hồng Yến lan toả ý nghĩa sự phát triển Yoga toàn diện tại Ấn Độ
Long An tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch lần 2 năm 2024