Trong thời gian qua, công tác CCHC đã được cấp ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từng bước đi vào nền nếp và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã công bố, chuẩn hóa, ban hành mới 2.087 thủ tục hành chính (TTHC), sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ 266 thủ tục; cắt giảm 20% đến 50% thời gian và 2,49% đến 73% chi phí khi thực hiện TTHC. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiết kiệm biên chế bố trí trực để giải quyết TTHC, kinh phí, cơ sở vật chất vận hành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ban, ngành, từ đó tăng hiệu quả làm việc, minh bạch, công khai hóa thông tin, liên thông trong giải quyết các TTHC.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ của các cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân. Nhờ vậy, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) được cải thiện rõ nét; mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp và nền hành chính thực hiện phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt; TTHC ở một số nơi, một số khâu còn rườm rà; nhiều hồ sơ TTHC liên quan đến đất đai, môi trường, đầu tư giải quyết chưa đảm bảo, gây khó khăn, ách tắc. Đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chưa đạt yêu cầu. Kết quả chỉ số PCI, PAR INDEX chưa đạt được mục tiêu đã đề ra; chỉ số SIPAS, PAPI được cải thiện nhưng chưa ổn định.
Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả, Quảng Trị đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công và bộ phận một cửa, một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã; cắt giảm ít nhất 25% thời gian giải quyết TTHC. TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn hàng năm đạt từ 99% trở lên. 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trong đó, ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%; mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%. 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Hoàn thành 100% các nội dung chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để xây dựng Chính quyền điện tử và Chính quyền số. Chỉ số PCI thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước; chỉ số PAR INDEX và PAPI thuộc nhóm 20 các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Trị sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và sáng tạo; Nâng cao hiệu quả cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã giao các cấp ủy, các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến tận cán bộ, đảng viên và người nhân dân; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; xây dựng, chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.
Nguyễn Trường An