An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025
10:56 AM 30/03/2023
(LĐXH) – Tại Kỳ họp thứ 13, khóa XIV tới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét để ban hành Nghị quyết “Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025”.
Trong thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền của Tỉnh luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực và ban hành các cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 áp dụng theo chuẩn nghèo tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh có 1.526 hộ nghèo, chiếm 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm 1,48% tổng số hộ dân.
Quảng Ninh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo
Để giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp: Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; huy động, tạo điều kiện tối đa các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế; quan tâm công tác giáo dục, đào tạo nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững… Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,067 % tổng số hộ dân toàn tỉnh (Theo kết quả điều tra của các huyện, thị xã, thành phố cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo. Ngày 09/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo không có khả năng lao động dự kiến 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh sẽ làm quy trình công bố thoát nghèo (258 hộ)); 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021: giảm 1.268 hộ nghèo, tương đương giảm 0,343%; giảm 3.099 hộ cận nghèo, tương đương giảm 0,845%, một số địa phương không còn hộ nghèo (Hạ Long (không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo); Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô (không còn hộ nghèo)). Đồng thời, qua công tác phúc tra tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương nhưng kết quả chấm điểm các tiêu chí theo quy định thì chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hương, nhiệm vụ năm 2023 phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không tái nghèo, phát sinh hộ nghèo.
Vì vậy, xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh là cần thiết nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong thời gian qua. Mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế; đồng thời góp phần cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đã đề ra.
Mô hình nuôi gà giúp người dân thoát nghèo
Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã lập tờ trình, trình HĐND tỉnh xem xét để ban hành Nghị quyết “Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025” tại kỳ họp thứ 13 này. Tờ trình đã đưa ra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh về tiêu chí thu nhập sẽ cao hơn mức chuẩn nghèo của trung ương khoảng 1,5 lần. Trong đó, chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,8 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,3 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên; chuẩn hộ cận nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,8 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,3 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ và của tỉnh.
Theo rà soát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nếu chuẩn nghèo của tỉnh được phê duyệt, dự kiến tỉnh có 2.000 hộ nghèo, 7.500 hộ cận nghèo, tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm cuối năm 2022. Việc xây dựng Nghị quyết nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của tỉnh là rất cần thiết để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về trợ giúp xã hội, nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng thụ hưởng, từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững