An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững
04:25 PM 08/02/2023
(LĐXH) – Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, bước vào năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41%; 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% trong tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, hầu hết những hộ nghèo này tập trung tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Người dân huyện Tiên Yên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi gà
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực hỗ trợ những vùng khó khăn như vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo như Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trong đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập; giảm 411 hộ nghèo và 1.200 hộ cận nghèo; 12/12 thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới hoàn thành Chương trình 135.
Mô hình chăn nuôi dê giúp người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu có nguồn thu đáng kể
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025 (là 3 địa bàn có đông đồng bào DTTS nhất và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh), giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ninh không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh. Nổi bật, TP Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo 100% đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định; phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025; thực hiện Nghị quyết nâng chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2023-2025…/.

Hưng Cảnh

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24