An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật
11:39 AM 12/09/2023
(LĐXH)- Những năm qua, các chính sách đối với người khuyết tật được các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật được lồng ghép thực hiện hiệu quả.
Thống kê cho thấy hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số khoảng 22.000 người khuyết tật, chiếm 1,7% dân số tỉnh, trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là 18.000 người.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ người khuyết tật, nhằm nâng cao đời sống người khuyết tật, đảm bảo an sinh xã hội.
Các nhà hảo tâm tặng quà, động viên các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách trợ giúp người khuyết tật, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn các hoạt động và ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc hỗ trợ đối tượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, bên cạnh các văn bản quy định chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động lồng ghép hoạt động trợ giúp người khuyết tật vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đơn vị; tham mưu ban hành các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án trợ giúp người khuyết tật, kịp thời điều chỉnh và giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Theo Nghị định số 20/2021/NÐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021), mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HÐND ngày 16/7/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết số 21/2021/NQ-HÐND đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người sinh sống tại cộng đồng, cụ thể: Giai đoạn từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/12/2022: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 450.000 đồng/tháng. Giai đoạn từ ngày 01/01/2023 trở đi: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 500.000 đồng/tháng. Ðối với người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Quảng Ninh đã bổ sung đối tượng người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội...
Cùng với đó, tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động từ 10-15 tỷ đồng.
Các địa phương đã tăng cường thực hiện công tác rà soát, xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và thực hiện nghiêm túc các quy định về xét duyệt đối tượng hưởng trợ cấp đảm bảo 100% đối tượng người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Tỉnh Quảng Ninh có 02 cơ sở bảo trợ xã hội công lập chăm sóc và nuôi dưỡng hàng trăm người khuyết tật. Công tác nuôi dưỡng đối tượng được thực hiện đảm bảo theo quy định. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12; vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ nhằm giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi có cơ hội phát triển, hòa nhập cộng đồng.    
Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, trợ giúp về giáo dục, văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao cho người khuyết tật được thường xuyên tổ chức giúp người khuyết tật ổn định tinh thần, tăng khả năng phục hồi, hoà nhập cộng đồng. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia dạy nghề và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc. 
Để thực hiện tốt hơn các chính sách đối với người khuyết tật, trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội và bản thân người khuyết tật về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật để bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ và tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của người khuyết tật.
Tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, chú trọng đến các hoạt động trợ giúp người khuyết tật nhằm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội như giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe….
Các cấp ủy chính quyền địa phương bảo đảm và khuyến khích việc huy động các nguồn lực cho công tác trợ giúp người khuyết tật phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; tăng cường hợp tác, phối hợp để trợ giúp người khuyết tật.   
Cùng với đó, tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người khuyết tật, các đặc trưng về giới tính, tuổi, các dạng tật, mức độ khuyết tật, tình trạng việc làm, thu nhập đời sống của người khuyết tật…  làm căn cứ tham mưu đề xuất xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật, chính sách cho người khuyết tật và hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật. 
Hàng năm bố trí ngân sách từ nguồn chi thường xuyên của các địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, đề án liên quan khác để lồng ghép, thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật./.
Hồng Hà
TAG: chăm sóc người khuyết tật
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025