An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
11:54 PM 16/09/2021
Trong những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân. Để tiếp tục quan tâm đầy đủ đến người yếu thế trong cộng đồng, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ II, khóa XIV, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Nghị quyết “Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, đối tượng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 40.382 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù riêng của tỉnh. Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội là trên 286 tỷ đồng/năm. Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt Nghị định số136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, đảm bảo chính sách được triển khai đến đầy đủ đến các đối tượng.

Chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh 

Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng chính sách địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết tốt nhất chính sách BTXH cho đối tượng theo quy định. Theo đó, giai đoạn 2010-2016, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp tháng từ 180.000 lên 300.000 đồng đối với đối tượng tại cộng đồng, lên 400.000 đồng đối với đối tượng trong các cơ sở BTXH (cao hơn 1,4 lần mức chuẩn Chính phủ quy định).

Từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, từ mức 300.000 lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng BTXH sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định); từ mức 400.000 lên mức 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng người khuyết tật được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định).

Cùng với nâng mức trợ cấp hằng tháng, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả trợ giúp xã hội đột xuất. Đơn cử, vào dịp giáp hạt, tỉnh rà soát, trợ cấp kịp thời đảm bảo người dân nói chung và đối tượng BTXH nói riêng không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực; ngành LĐ-TB&XH và các địa phương phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, chăm sóc dài hạn, hỗ trợ đối tượng, hỗ trợ sinh kế... đối với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng.

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh phí khó khăn nhưng công tác bảo trợ xã hội vẫn được lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm triển khai đầy đủ. Chính sách trợ giúp xã hội được hướng đến nhóm người dân yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ... đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2021, chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 20/2021/ND-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội” (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ). Theo đó, một số nội dung của chính sách mới có sự thay đổi, đặc biệt là nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và bổ sung thêm một số đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng, tăng 1,33 lần so với mức cũ. Do đó, việc xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và điều kiện kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các nghị quyết đặc thù riêng, mở rộng thêm các đối tượng yếu thế được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội như: Trợ giúp xã hội đối với nhóm người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH ở khu vực miền núi, hải đảo; hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh… Sau khi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành, các đối tượng bảo trợ bảo xã hội đang hưởng trợ cấp theo các chính sách đặc thù riêng của tỉnh cũng hết hiệu lực thực hiện. Do vậy, việc xem xét tiếp tục duy trì chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng đã được tỉnh quy định là rất cần thiết. Do vậy Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh về việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh“Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, đối tượng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, nội dung chính sách sẽ nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh lên 500.000 đồng/tháng, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, bên cạnh các nhóm đối tượng đã được hưởng trợ cấp theo chính sách của Trung ương và của tỉnh trước đây, nội dung Nghị quyết cũng bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng khác gồm: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên không có vợ hoặc chồng, không có con để chăm sóc nuôi dưỡng và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác; người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác; thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Việc xây dựng chính sách trợ giúp xã hội thể hiện sự quan tâm thiết thực của tỉnh Quảng Ninh đến tất cả những người yếu thế trong xã hội. Qua đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, mặt khác từng bước nâng cao mức sống của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh.

Nguyễn Thanh

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công