Quảng Ninh tăng cường công tác phòng, chống mại dâm
(LĐXH)-Ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 5612/UBND-VX2 về tăng cường công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 361/2016/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020”; Kế hoạch số 2413/KH-UBND ngày 4/5/2016 của UBND tỉnh “Thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-¬2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và các chương trình hằng năm của UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân cũng như các cấp, các ngành về quy định của pháp luật, quan điểm của Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm hiện nay... để hạn chế phát sinh mới số người tham gia vào hoạt động mại dâm, đồng thời giảm hại cho cộng đồng, người bán dâm do hệ lụy từ hoạt động mại dâm đem lại.
- Phối hợp cùng các địa phương rà soát, thống kê, lập cơ sở dữ liệu đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, nghi có hoạt động mại dâm, nhóm có nguy cơ cao. Tăng cường công tác đấu tranh triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa bàn; công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra chuyên ngành của từng sở, ban, ngành, đồng thời đổi mới cách thức thực hiện. Nâng cao chất lượng kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn.
- Tập trung tuyên truyền sâu rộng với các hình thức, nội dung phù hợp, trong đó quan tâm đến nhóm có tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Người dân tộc thiểu số, người không có việc làm, thu nhập ổn định, thanh niên...; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; phòng ngừa, hỗ trợ giảm hại, giảm kỳ thị; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho nhóm người bán dâm; chú trọng các giải pháp mang tính xã hội lồng ghép nội dung công tác phòng chống mại dâm gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
- Chỉ đạo các phòng, ban tăng cường các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống mại dâm, về các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện và các quy định pháp luật khác có liên quan để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm pháp luật cũng như địa phương để xảy ra tình trạng điểm nóng, tụ điểm về mại dâm.
- Thống kê đầy đủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; nắm chắc địa bàn, rà soát, lập hồ sơ quản lý theo dõi người bán dâm, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm cấp huyện, cấp xã; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã; thực hiện kiểm tra định kỳ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
- Xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm và bố trí ngân sách theo phân cấp và quy định của Luật Ngân sách để cấp xã và các phòng thuộc cấp huyện thực hiện công tác phòng chống mại dâm một cách thiết thực, hiệu quả.
3. Đề nghị Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm; xây dựng các mô hình về phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; giám sát, phát hiện và tố giác các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan./.
Mỹ Hạnh
TAG: