Quảng Ninh: Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng nồi hơi và bình chịu áp lực
(LĐXH) – Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh mới có công văn đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân quan tâm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng nồi hơi và bình chịu áp lực.
Trong thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ sự cố, tai nạn liên quan đến việc quản lý, sử dụng nồi hơi làm chết và bị thương nhiều người, như: Ngày 30/10/2016 tại cơ sở Chế biến hải sản Lan Anh (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) xảy ra vụ tai nạn nổ lò hơi làm 4 người chết, 11 người bị thương; ngày 10/11/2016 tại Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên (phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) xảy ra vụ tai nạn nổ nồi hơi làm 02 người chết, 06 người bị thương; trước đó ngày 08/3/2015 tại Công ty cổ phần gồm mầu Hoàng Hà (cụm công nghiệp Kim Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ tai nạn nổ Lò sinh khí - Trạm khí hoá than làm 01 người chết, 01 người bị bị thương.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ sự cố, tai nạn liên quan đến nồi hơi được xác định do nồi hơi hoạt động trong tình trạng cạn nước; công nhân vận hành chưa qua đào tạo nghề, chưa được huấn luyện đầy đủ các quy định về an toàn lao động; thiếu hiểu biết về nguyên lý, cấu tạo đặc tính kỹ thuật của nồi hơi; Việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng nồi hơi không đảm bảo kỹ thuật an toàn; Công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ quản lý chưa thường xuyên, sâu sát tại hiện trường.
Để phòng ngừa sự cố, tai nạn, đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các sở, ban ngành, địa phương: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công tác quản lý, sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực (QCVN 01:2008/BLĐTBXH ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/11/2008 của Bộ Lao động - TB&XH) đến các tổ chức, cá nhân có liên quan;
Đối với các đơn vị có sử dụng nồi hơi, bình áp lực: Tổng kiểm tra, rà soát công tác quản lý, vận hành sử dụng nồi hơi theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực (QCVN 01:2008/BLĐTBXH ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/11/2008 của Bộ Lao động - TB&XH), cụ thể: Kiểm tra hồ sơ xuất xưởng, nguồn gốc xuất xứ (sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu); hồ sơ thiết kế vị trí lắp đặt; hồ sơ nguyên lý cấu tạo; đặc tính kỹ thuật; thiết bị bảo vệ, thiết bị đo lường an toàn; công tác lắp đặt, nghiệm thu, quyết định đưa nồi hơi vào sử dụng; Kiểm tra hồ sơ kiểm định kỹ thuật an toàn; quy trình vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, xử lý sự cố của tất cả các thiết bị nồi hơi; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý, công nhân vận hành; Thực hiện nghiêm túc các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác quản lý, sử dụng nồi hơi, bình áp lực; Căn cứ vào hướng dẫn sử dụng của nhà chế tạo, quy chuẩn kỹ thuật an toàn để xây dựng, ban hành đầy đủ nội quy, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa cho từng loại nồi hơi; tại nơi lắp đặt nồi hơi phải có bản tóm tắt quy trình vận hành và xử lý sự cố treo ở vị trí phù hợp sao cho người vận hành dễ thấy, dễ đọc; Tổ chức huấn luyện cho người vận hành nồi hơi đúng quy trình vận hành; huấn luyện, kiểm tra sát hạch lại người vận hành nồi hơi, đã nghỉ vận hành liên tục quá 12 tháng hoặc chuyển sang vận hành nồi hơi khác loại; Ban hành Quyết định phân công người có năng lực, trách nhiệm để quản lý, bảo đảm an toàn cho nồi hơi trong suốt quá trình hoạt động. Thực hiện các chế độ bảo dưỡng, kiểm tra vận hành, kiểm định thiết bị nồi hơi đúng thời hạn quy định; Ban hành, thực hiện chế độ ghi chép Sổ nhật ký vận hành cho từng nồi hơi; người vận hành phải ghi thời gian, số lần xả bẩn; kiểm tra áp kế, van an toàn; tình trạng làm việc của nồi hơi, những trục trặc trong quá trình hoạt động của nồi hơi; thực hiện chế độ bàn giao ca thiết bị để đảm bảo quản lý, theo dõi thiết bị liên tục.
Nghiêm cấm việc sử dụng nồi hơi khi không được kiểm định kỹ thuật an toàn hoặc đã quá thời hạn kiểm định. Không cho phép sử dụng nồi hơi khi: áp kế chưa được kiểm định hoặc đã quá thời hạn kiểm định; van an toàn không bảo đảm an toàn, mất niêm phong hoặc chưa được kiểm định hiệu chỉnh hoặc đã quá thời hạn kiểm định. Nghiêm cấm việc chèn, hãm van an toàn và điều chỉnh thông số thiết bị bảo vệ của nồi hơi trong quá trình quản lý, vận hành; Trong quá trình vận hành, phải thực hiện đúng chế độ kiểm tra các thiết bị đo kiểm, bảo vệ, cảnh báo; hệ thống bảo vệ tự động; các thiết bị phụ trợ và bơm cấp theo quy định về kỹ thuật an toàn; Người vận hành nồi hơi phải có đủ các điều kiện sau: từ 18 tuổi trở lên, cấm bố trí lao động nữ trực tiếp vận hành nồi hơi; có điều kiện sức khoẻ; đã qua đào tạo, huấn luyện an toàn có kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu, được cấp thẻ an toàn lao động; được người sử dụng lao động giao nhiệm vụ vận hành nồi hơi bằng văn bản; Người vận hành nồi hơi phải chịu trách nhiệm về sự hoạt động an toàn của nồi hơi trong phạm vi mình phụ trách; thực hiện đúng quy trình vận hành; khi có sự cố phải ngừng nồi hơi đúng quy trình, báo cáo ngay cho người có trách nhiệm biết và ghi vào sổ nhật ký vận hành; không được làm việc riêng và những công việc khác khi nồi hơi đang hoạt động; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định./.
Cảnh Minh
TAG: