An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Quan tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi
11:17 AM 29/08/2024
(LĐXH) Với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của tỉnh và các sở, ngành liên quan, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn Quảng Ninh luôn được quan tâm chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp NCT ngày càng phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, tiếp tục đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng quê hương.
Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 181.000 NCT, chiếm 13,46% dân số toàn tỉnh. Con số này đang có xu hướng gia tăng, dự báo đến năm 2025, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm 15% dân số toàn tỉnh. Quá trình già hóa dân số đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe NCT.
Nhằm chăm lo cho NCT, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có NCT.
Theo đó, tỉnh đã bổ sung thêm 2 đối tượng được thụ hưởng chính sách gồm: Người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa được hưởng trợ cấp xã hội và có hoàn cảnh khó khăn; người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng khác và có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho những đối tượng này đến hết ngày 31/12/2025.
Khám, điều trị bệnh xương, khớp cho người cao tuổi
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tập trung truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về cơ hội và thách thức đối với già hóa dân số; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về NCT; xây dựng kế hoạch và chiến lược đầu tư nhằm chủ động thích ứng với tình trạng già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện cho NCT trong gia đình và cộng đồng. Cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, từng bước xóa bỏ những định kiến về chăm sóc NCT tại các cơ sở tập trung. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng NCT.
Nhiều năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm nâng cao sức khỏe cho NCT như: Tuyên truyền tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe cho NCT; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chính sách dân số, kiến thức chăm sóc NCT vào hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tại các địa phương trong tỉnh thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Tính riêng trong năm 2023, các đơn vị đã tổ chức 1.241 buổi sinh hoạt CLB, tổ chức 396 hội nghị truyền thông về ngày quốc tế NCT thu hút sự tham gia của 38.150 lượt người; tổ chức 143 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng.
Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe NCT bằng những hành động thiết thực, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Bệnh viện toạ lạc tại phường Đại Yên, TP Hạ Long trên diện tích hơn 44 nghìn m2  với kinh phí đầu tư xây dựng gần 429 tỷ đồng. Đây là bệnh viện chuyên về lão khoa, phục hồi chức năng tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước và cũng là một trong những cơ sở y tế hàng đầu về chăm sóc, khám chữa bệnh cho NCT.
Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh hiện nay là một trong những đơn vị tốp đầu miền Bắc trong chăm sóc, điều trị lão khoa và phục hồi chức năng, thu hút nhiều bệnh nhân tới thăm khám, trong đó có không ít bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố lân cận. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện đạt 4.450 lượt (tăng 109,9% so với cùng kỳ năm 2023), số lượt điều trị nội trú là 3.723 lượt (tăng 106,1% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất sử dụng giường bệnh đạt 103,2%, trong đó bệnh nhân là NCT chiếm chủ yếu với khoảng 75-80% lượng bệnh nhân.
Thực hiện chính sách ưu tiên về khám, chữa bệnh dành cho NCT của ngành y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ khi NCT đến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người từ 80 tuổi trở lên khi đến khám chữa bệnh được ưu tiên khám trước, không phải chờ đợi, ngoại trừ những trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi, người cấp cứu và người khuyết tật nặng. Các đơn vị cũng bố trí giường nằm phù hợp để tránh tình trạng NCT phải nằm chung giường khi nhập viện.
Trong công tác điều trị cho bệnh nhân là NCT, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện việc kết hợp phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, nhằm giúp NCT phục hồi sức khoẻ một cách tốt nhất.
Quang Tuấn

 

 

 

 

TAG: chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái