Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Quảng Ninh quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em
02:22 PM 14/08/2020
(LĐXH) - Để mọi trẻ em đều được chăm sóc và phát triển toàn diện về sức khoẻ, trí tuệ và tâm hồn, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về trẻ em và triển khai hiệu quả nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) như: Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Phòng, chống tai nạn thương tích…
Đồng bộ trong thực hiện các chính sách
Tính đến ngày 30/5/2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có 321.128 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 145.829 trẻ em dưới 6 tuổi; 3.201 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 15.914 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương thực hiện công tác BVCSTE; cùng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em trong tỉnh, như: Quyết định số 3425/QĐ-UBND, ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành Hệ thống BVCSTE tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với cách mạng, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đề án “Phát huy tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020”…
Bên cạnh đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em của địa phương. Đặc biệt, một số địa phương chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như: Thị xã Đông Triều từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí từ 1-1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã để thực hiện mục tiêu BVCSTE có hoàn cảnh đặc biệt, bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em; Huyện Vân Đồn năm qua đã chi gần 1,2 tỷ đồng để đầu tư bể bơi và thực hiện các hoạt động BVCSTE…

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà

Công tác tuyên truyền về BVCSTE luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm. Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức phong phú như: Đăng tải hàng trăm tin, bài trên các phương tiện thông tin, đại chúng; Xây dựng 02 video clip về phòng, chống xâm hại, phòng, chống đuối nước trẻ em, 01 phóng sự về bảo vệ trẻ em để phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh; Treo 450 banner, 4 băng zôn, 01 phướn thả, tổ chức tuyên truyền lưu động tại các phường trên địa bàn thành phố Hạ Long; In sao 750 đĩa có nội dụng về Tháng hành động trẻ em, đường dây bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cấp cho các địa phương. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập huấn cho trên 60 trẻ em nòng cốt và trẻ em là thành viên của 2 câu lạc bộ trẻ em tại 2 phường dự án thuộc thành phố Cẩm Phả những kiến thức về tuổi dậy thì, những dấu hiệu của tuổi dậy thì và quá trình thụ thai; Một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục/quan hệ tình dục sớm. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”, thông qua 3 hình thức thi là trả lời trực tuyến trên website bachovoithieunhi.vn, vẽ tranh và thi viết, thu hút 14.364 học sinh tham dự.
Tỉnh cũng rà soát thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách cho trẻ em trên địa bàn. Trong năm 2019, toàn tỉnh có 433 trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, 664 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 1.373 trẻ khuyết tật nặng và 21 trẻ nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bởi chính sách trợ giúp trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136 của Chính phủ; 19.223 lượt trẻ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thông qua chính sách đặc thù của tỉnh (Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND, Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND), với tổng số tiền 23,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành của tỉnh đã thăm, tặng quà cho 15.648 lượt trẻ em với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được 4,4 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho 3.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh (hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 131 trẻ), đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 600 triệu đồng, nhờ đó có thêm nguồn lực để chăm sóc cho trẻ.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn tạo cơ chế, điều kiện cho trẻ em phát huy quyền tham gia của mình trên diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh. Kể từ năm 2016, tại kỳ họp HĐND tỉnh, 50 thanh, thiếu nhi tiêu biểu của tỉnh đã được tham dự phiên khai mạc. Qua đó, nhằm giáo dục ý thức công dân, trang bị kiến thức, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND, về trọng trách của những đại biểu đại diện cho nhân dân. Năm 2018, Hội đồng trẻ em tỉnh được thành lập gồm 30 thành viên từ 09-15 tuổi là đại diện tiêu biểu trong các lĩnh vực: Học tập, hoạt động đội, công tác xã hội, văn hóa nghệ thuật… được lựa chọn từ 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Các thành viên của Hội đồng trẻ em sẽ tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến của đại biểu trẻ em tại địa phương để tổng hợp gửi đến Diễn đàn trẻ em hàng năm và gửi các báo cáo kiến nghị của trẻ em đến kỳ họp HĐND tỉnh. Từ năm 2016 đến 2019, tỉnh đã tổ chức 4 Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với tổng kinh phí là 831 triệu đồng. Đây là một hoạt động thường niên, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tham vấn ý kiến của trẻ em. Những kiến nghị và đề xuất của các em sẽ góp phần để nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thực hiện phù hợp và hiệu quả.
Những năm qua, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong cả nước trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh... Hằng năm, các địa phương có trách nhiệm bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý.
Thực hiện hiệu quả các mô hình BVCSTE
Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều dự án, mô hình BVCSTE, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó phải kể đến mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” được triển khai trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên từ năm 2013, đã phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác hỗ trợ trẻ em, san sẻ trách nhiệm xã hội giữa toàn thể cộng đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có 7 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng 7 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với mức hỗ trợ là 525.000 đồng/trẻ/tháng. Các địa phương này cũng khảo sát 200 trẻ em và 200 gia đình về nhu cầu điều kiện sống, kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ để xây dựng kế hoạch, qua đó đã lựa chọn và cấp phát kinh phí mua sắm quần áo, sách vở đối với 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 700.000 đồng/trẻ, giúp trẻ em và gia đình giảm bớt khó khăn về vật chất trong cuộc sống.
Năm qua, triển khai mô hình “Dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của 180 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (từ 13 đến dưới 16 tuổi); đồng thời, khảo sát, đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động ở 80 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại thị xã Quảng Yên, Đông Triều và thành phố Uông Bí. Trên cơ sở đó, Trung tâm kết nối, hỗ trợ cho 12 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học các nghề như: làm vàng mã, pha chế đồ uống và phục vụ quầy bar, sửa chữa điện lạnh, làm đẹp, may mặc, cắm hoa… Hầu hết trẻ sau đào tạo nghề đã có việc làm ổn định.
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám bệnh miễn phí cho trẻ em Bình Liêu
Bên cạnh đó, thực hiện mô hình “Phòng, chống tai nạn thương tích”, toàn tỉnh tổ chức 722 lớp dạy bơi miễn phí cho 15.710 trẻ. Trong đó, tỉnh hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 73 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.095 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, trẻ em các xã miền núi, hải đảo, biên giới, trẻ em dân tộc thiểu số, với mức kinh phí 10 triệu đồng/lớp; Ngân sách các địa phương hỗ trợ tổ chức 649 lớp, tiêu biểu là: Thị xã Đông Triều tổ chức 408 lớp với 8.692 trẻ em; Cẩm Phả 60 lớp với 2.670 trẻ em; Quảng Yên 54 lớp với 1.244 trẻ em, xây dựng 31 hệ thống biển báo nước sâu nguy hiểm và hàng rào chắn tại các khu vực ao hồ, kênh mương; Uông Bí 50 lớp với 800 trẻ em; Hoành Bồ 31 lớp với 555 trẻ em, đầu tư 02 bể bơi trị giá 250 triệu đồng, cắm 97 biển cảnh báo tại những nơi có suối, kênh, mương mất an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ em; huyện Vân Đồn đầu tư 02 bể bơi trị giá 900 triệu đồng. Đặc biệt, thị xã Đông Triều đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức Hội thi bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho 500 học sinh đại diện 27 trường tiểu học và 23 trường THCS trên địa bàn thị xã, với các nội dung: Tìm hiểu kiến thức phòng, chống đuối nước thông qua cuộc thi rung chuông vàng; kiểm tra các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối an toàn được tổ chức dưới dạng thực hành các trò chơi dưới nước.
Các mô hình “Phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, mô hình “Dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí”, “Lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí”, “Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ”, “Câu lạc bộ xanh lại ước mơ” cũng thu được những kết quả tích cực, góp phần chăm sóc tốt hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, trẻ em cũng khởi xướng nhiều mô hình, như: “Đội tuyên truyền măng non”; “Hội đồng trẻ em cấp tỉnh”; “Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em”; “Bảo tồn và phát huy tác dụng một số cây thuốc nam quý hiếm tại Trường THCS thị trấn, Trường Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ”; “Nâng cao nhận thức của học sinh THCS về vấn nạn ấu dâm”; “Nhận biết và phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh lớp 9, Trường THCS Thị xã Đông Triều”... qua đó cho thấy trẻ em đã được tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực và phát huy quyền tham gia của mình trong các lĩnh vực của đời sống.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội, đến nay các chỉ tiêu về trẻ em của tỉnh Quảng Ninh đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 95,2%; tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,99%; tỷ lệ đi học THCS đúng độ tuổi đạt 96,26%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, khám, chữa bệnh theo quy định; 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em./.
Nguyễn Thị Hiền
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công