An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Nỗ lực thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật
12:54 PM 25/11/2022
(LĐXH)- Thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm tạo điều kiện để người khuyết tật được học nghề, tìm kiếm việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách trợ giúp người khuyết tật, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn các hoạt động và ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc hỗ trợ đối tượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, bên cạnh các văn bản quy định chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động lồng ghép hoạt động trợ giúp người khuyết tật vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đơn vị; tham mưu ban hành các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án trợ giúp người khuyết tật, kịp thời điều chỉnh và giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Hỗ trợ người khuyết tật xây dựng, sửa chữa nhà ở
Nhìn chung, hệ thống các văn bản quy định và chỉ đạo điều hành được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Việc hướng dẫn thực hiện được triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương đối với các chính sách liên quan đền người khuyết tật.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các chính sách riêng có của tỉnh về lĩnh vực chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, hỗ trợ giáo dục và việc làm đã thể hiện sự nỗ lực, quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đối với nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh, tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. Hiệu quả của chính sách đã góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật; xóa bỏ phân biệt kỳ thị, tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ, hòa nhập với cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức hội đoàn thể thuộc tỉnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đối với người khuyết tật, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Đề án.
Thống kê hiện nay, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 21.800 người khuyết tật, chiếm 1,7% dân số của tỉnh, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt năm là 17.565 người, tăng 26% so với năm 2017. Số người khuyết tật thuộc hộ nghèo là 1.133 người, chiếm 5,18% tổng số người khuyết tật trong tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật là: Bẩm sinh, di chứng của chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dẫn đến mất đi hoặc khiếm khuyết một bộ phận cơ thể. Hằng tháng, nhà nước hỗ trợ cho trường hợp người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng để trang trải cuộc sống sinh hoạt. Cụ thể, trên địa bàn Quảng Ninh, người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ 900.000 đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ 450.000 đồng cho người trợ giúp; người khuyết tật nặng được hỗ trợ 675.000 đồng/người/tháng và hỗ trợ miễn phí thẻ BHYT. 100% đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT. Tỉnh Quảng Ninh có 02 cơ sở bảo trợ xã hội công lập chăm sóc và nuôi dưỡng 114 người khuyết tật (71 trẻ em khuyết tật ở Cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 43 người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội). Công tác nuôi dưỡng đối tượng được thực hiện đảm bảo theo quy định. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12; vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ nhằm giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi có cơ hội phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước và của tỉnh đối với người khuyết tật làm chuyển biến cơ bản nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân người khuyết tật về quyền lợi và nghĩa vụ của người khuyết tật. Hoạt động truyền thông được đa dạng hóa với các hình thức: Phóng sự tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng: website, báo, đài Phát thanh truyền hình của tỉnh và Trung ương, tờ rơi, tờ gấp. in ấn phẩm sách và hội nghị quyền thông trực tiếp với người dân tại cộng đồng. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức 57 hội nghị truyền thông tại cộng đồng cho 4.470 người; in 20.000 tờ rơi; phát hành 7.000 cuốn “Chính sách pháp luật dành cho người khuyết tật” và 3.000 cuốn “Sổ tay ngôn ngữ kỹ hiệu” với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Song song với đó, tỉnh cũng triển khai các dịch vụ phát hiện sớm khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; triển khai thực hiện các chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật. Hàng năm, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh tiến hành thống kê, lập danh sách người khuyết tật trên địa bàn xã, phường, thị trấn để lập hồ sơ theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật. Tỉnh Quảng Ninh đã  ban hành Quyết định về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật hệ vận động trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình người khuyết tật vì hầu hết gia đình người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn nên sự hỗ trợ là cần thiết.
 
Thu Hương
 
TAG:
Tin khác
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công