An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Những khó khăn, bất cập về chế độ chính sách trợ giúp xã hội và đề xuất, kiến nghị
10:50 AM 18/12/2019
(LĐXH)-Cùng với sự phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã trú trọng ưu tiên cho công tác an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo trợ xã hội thông qua việc ban hành nhiều chính sách đặc thù, nâng mức trợ cấp, trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, nằm phía Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất liền 6.100 km2 và diện tích biển tương đương, với 2.077 đảo lớn nhỏ, có 118,825 km đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc, dân số có trên 1,2 triệu người với tổng số 353.014 hộ dân, 22 dân tộc.

Theo địa giới hành chính, tỉnh gồm có 4 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện; 186 xã, phường, thị trấn. Tỉnh không có huyện nghèo thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, có 32 xã thuộc khu vực II; 20 xã thuộc chương trình 135, trong đó có 17 xã khu vực III và 3 xã biên giới; 06 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 1,20% (4.248 hộ). Cùng với sự phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã trú trọng ưu tiên cho công tác an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo trợ xã hội thông qua việc ban hành nhiều chính sách đặc thù, nâng mức trợ cấp, trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Người cao tuổi ở Quảng Ninh được hưởng chế độ trợ cấp, trợ giúp xã hội cao hơn mức hưởng bình quân của người cao tuổi của cả nước
Năm 2018, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội của cả tỉnh là 37.103 người, trong đó số đối tượng theo Nghị định 136 và Nghị định 28 của Chính phủ là 33.243 đối tượng chiếm tỷ lệ  89,6%, đối tượng trợ cấp xã hội hằng tháng theo chính sách của tỉnh là 3.860 đối tượng, chiếm tỷ lệ 10,4%. Trong tổng số đối tượng BTXH, người cao tuổi gồm 15.896 người chiếm tỷ lệ 42,8%; NKT có 13.963 đối tượng chiếm tỷ lệ 37,6%; Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng có 2.270 người chiếm 6,1%; nhóm đối tượng khác (nhiễm HIV, đơn thân nghèo, cá nhân hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng BTXH) có 4.974 đối tượng chiếm 13,4% trong tổng số đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội. Trong các nhóm đối tượng BTXH, nhóm đối tượng có số lượng tăng nhiều nhất là nhóm NCT và NKT, kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng trên gần 220 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, tỉnh đã đảm bảo 100% đối tượng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Cùng với đó đảm bảo 100% đối tượng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (trừ người đơn thân nghèo đang nuôi con nhỏ), khi chết gia đình của đối tượng hoặc các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức mai táng cho đối tượng được hỗ trợ tiền mai táng phí với mức hỗ trợ 6.000.000 đồng/lần/đối tượng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác, không phải địa bàn nơi cứ trú của người đó tỉnh hỗ trợ mức: 9 triệu đ/người.
 
Đồng thời, trong những năm qua công tác cứu trợ xã hội luôn được đảm bảo trợ cấp đúng đối tượng, kịp thời tới những cá nhân gặp rủi ro, đột xuất, tới từng hộ gia đình có người thân bị chết do thiên tai, bão lũ, công tác cứu đói giáp hạt, phòng chống bão lũ giảm nhẹ thiên tai luôn được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Những trường hợp cá nhân, hộ gia đình bị nặng, Lãnh đạo Sở tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho đối tượng (ngoài phần hỗ trợ cứu trợ đột xuất của các địa phương mức 3 triệu đồng đối với người bị thương, 6 triệu đồng đối với người chết).
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nình còn ban hành thêm những chính sách bảo trợ xã hội đặc thù của tỉnh với đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn và mức độ, chế độ hưởng cao hơn so với chính sách chung của Nhà nước. Đối tượng BTXH theo chính sách của Tỉnh tính tới tháng 12/2018 có 3.860 đối tượng, chiếm tỷ lệ 10,4% tổng số đối tượng BTXH, trong đó nhóm  NCT từ đủ 75-79 tuổi là 1.828 người, nhóm trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn là: 1.856 người và nhóm cá nhân thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo là 176 người (nhóm đối tượng mở rộng so với Nghị định 136).
Đến nay, có thể khẳng định, chính sách TGXH đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển đầy đủ kịp thời và luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thực hiện tốt chính sách TGXH có nghĩa là chăm lo cho đời sống đối tượng người dân ngày càng tốt hơn, coi đây là việc làm thường xuyên. Tập trung ưu tiên, dành nguồn lực cho an sinh xã hội cũng chính là để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy còn nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết như:
- Do chính sách trợ giúp xã hội có sự thay đổi nhiều, liên tục, chưa đồng bộ, giữa các văn bản (giữa Nghị định với Nghị định, Nghị định với Thông tư) nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Các văn bản về chế độ chính sách vẫn còn chưa đồng bộ, một số nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể khiến cho công tác triển khai thực hiện chính sách còn gặp khó khăn.
- Mức trợ giúp xã hội của Nhà nước còn thấp, mức của Tỉnh cho các đối tượng hiện nay mặc dù được đã tăng hơn so với quy định chung của Nhà nước (mức chuẩn của tỉnh cao hơn 1,3 lần so với quy định của nhà nước), nhưng so với mặt bằng xã hội thì vẫn còn thấp. Nhất là trong giai đoạn chuẩn nghèo mới (đa chiều) cao gần gấp 2 lần so với chuẩn nghèo cũ được áp dụng từ năm 2015.
- Một số trường hợp đối tượng (đa phần là đối tượng NCT từ đủ 80 tuổi trở lên) sai lệch về ngày tháng năm sinh giữa sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân/thẻ CCCD, gây khó khăn trong việc xác định độ tuổi để làm căn cứ xác định thời điểm hưởng trợ cấp xã hội (1 số trường hợp chênh lệch 5, 6 năm, thậm chí 10 năm).
- Trong quá trình thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh nhận thấy:
+ Đối với 1 số nhóm đối tượng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, có hoàn cảnh khó khăn như: Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại đang hưởng bảo trợ xã hội tại cộng đồng hoặc thuộc hộ nghèo hoặc thuộc hộ cận nghèo; Trẻ em có bố và mẹ đang hưởng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; Trẻ em sinh ra không có bố hoặc mẹ người còn lại bị chết hoặc người còn lại đang hưởng bảo trợ xã hội tại cộng đồng hoặc thuộc hộ nghèo hoặc thuộc hộ cận nghèo…chưa được hưởng trợ giúp xã hội.
+ Đối với người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo: chế độ mai táng phí chỉ hỗ trợ cho trường hợp các con của người đơn thân bị chết, còn người đơn thân chết không được hỗ trợ chế độ mai tang phí nên rất khó khăn cho các gia đình không may người đơn thân chết, chỉ còn lại những trẻ em không có kinh phí tổ chức mai táng cho bố hoặc mẹ bị chết. Điều này nếu so sánh với đối tượng bảo trợ xã hội khác, người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo bị thiệt thòi trong thực hiện chính sách hỗ trợ mai táng phí.
+ Đối với trường hợp người bị thương nặng hoặc bị chết, mất tích do tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng và các lý do bất khả kháng khác quy định tại khoản 1 Điều 13 và Điều 14 của Nghị định 136 chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khi thực hiện có một số trường hợp khó xác định, gây khó khăn cho địa phương khi xác định vụ tai nạn nào được gọi là vụ đặc biệt nghiêm trọng?
+ Tại Điều 17 Nghị định 136 của Chính phủ có quy định hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất: “Hộ gia đình bị mất phương tiện, tư liệu sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác, mất việc làm được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định”. Nhưng quy định trách nhiệm thuộc cơ quan nào thực hiện, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể dẫn đến địa phương, cơ sở thắc mắc.
+ Đối với đối tượng bảo về khẩn cấp đưa vào trung tâm BTXH có thời hạn tối đã không quá 3 tháng. Vậy sau 3 tháng chưa tìm được nhà, người thân cho đối tượng thì chưa có hướng dẫn, quy định nào (đối tượng sẽ như thế nào, nuôi dưỡng tiếp tục hay không cũng chưa được quy định cụ thể).
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần có những sửa đổi, bổ sung một số chính sách trợ giúp xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn đối với trường hợp đối tượng (đa phần là đối tượng NCT từ đủ 80 tuổi trở lên) sai lệch về ngày tháng năm sinh giữa sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân/thẻ CCCD, gây khó khăn trong việc xác định độ tuổi để làm căn cứ xác định thời điểm hưởng trợ cấp xã hội (1 số trường hợp chênh lệch 5, 6 năm, thậm chí 10 năm); Hướng dẫn cụ thể về thủ tục trợ giúp đột xuất: hỗ trợ lương thực; hỗ trợ người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng và thủ tục hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở để phù hợp với từng đồi tượng, với thực tế; Hướng dẫn cụ thể trường hợp người bị thương nặng hoặc bị chết, mất tích do tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng và các lý do bất khả kháng khác quy định tại Khoản 1 Điều 13 và Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 136; Hướng dẫn cụ thể đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp (tâm thần, xin ăn lang thang…) khi hết thời gian nuôi dưỡng sau thời gian 3 tháng tại cơ sở BTXH; Phối hợp với các Bộ ngành có liên quan, hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện hồ sơ của đối tượng người khuyết tật đã có dấu hiệu hồi phục (từ đặc biệt nặng xuống nặng, nặng xuống nhẹ...)./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh
Huyện Trực Ninh: Lan tỏa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Hà Tĩnh với công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công
Huyện Cầu Kè: Sâu nặng nghĩa tình với người có công
Huyện Đức Thọ: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Nghệ An chăm lo chu đáo đối với người có công
Thành phố Bắc Giang: Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa
Bắc Giang: Chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công
Bắc Giang: Thiết thực tri ân người có công