An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Kết quả tích cực trong thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
12:25 PM 07/06/2024
(LĐXH)-Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đang tích cực thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) Đề án 06 trên địa bàn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh  Quảng Ninh có 56.852 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hằng tháng, trong đó có 44.907 đối tượng Bảo trợ xã hội, 11.945 người đối tượng người có công và 5.464 đối tượng khác (đối tượng được hỗ trợ học phí).      

Cán bộ phường Hồng Hà, TP Hạ Long trao đổi với người dân về tiện ích thanh toán lương, trợ cấp không dùng tiền mặt

Đến nay, đã có 27.119 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hằng tháng có tài khoản và mong muốn được chi trả chính sách qua tài khoản, (tăng 3,62% so với tháng 4/2024); 5.050 người đối tượng khác (tăng 0,12% so với tháng 4/2024).

Trong tháng 5/2024, tỉnh có 27.108 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hằng tháng (tăng 3,60% so với tháng 4/2024) và 5.050 đối tượng khác (tăng 0,12% so với tháng 4/2024) được nhận trợ cấp qua tài khoản.

Tổng số kinh phí thực hiện chi trả cho các đối tượng này qua tài khoản là 209.593,723 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, 13/13 thành phố và huyện của tỉnh Quảng Nịnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản. Một số địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả tốt như: thành phố Móng Cái đã chi trả qua tài khoản cho 5.325 đối tượng, chiếm 96,61% tổng số đối tượng hưởng; huyện Cô Tô đã chi cho 191 đối tượng, chiếm 95,50% tổng số đối tượng hưởng; thành phố Uông Bí đã chi cho 4.979 đối tượng, chiếm 84,08% tổng số đối tượng hưởng; huyện Tiên Yên đã chi cho 2.017 đối tượng, chiếm 76,26% tổng số đối tượng hưởng.

Bên cạnh đó, một số địa phương kết quả chi trả qua tài khoản vẫn ở mức thấp đó là thành phố Cẩm Phả: 6,47%; Bình Liêu: 7,80%).

Nhìn chung ciệc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai thực hiện. Các lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt đã góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về thời gian, nguồn lực và di chuyển trong thực hiện công tác chi trả.

Trong quá trình triển khai thực hiện đã được một bộ phận đối tượng hưởng chính sách hưởng ứng, đồng tình và ủng hộ việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hầu hết các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội, người có công có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin (là người cao tuổi già yếu, người khuyết tật, thần kinh, tâm thần, người khuyết tật vận động, trẻ em...), khó khăn trong thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng và phần lớn các đối tượng BTXH có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh.

Số đông đối tượng thụ hưởng muốn chủ động trong việc quản lý, sử dụng tiền trợ cấp; việc chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của các đối tượng vẫn phải thông qua tiền mặt; việc chi trả không dùng tiền mặt sẽ mất thêm thời gian, chi phí duy trì tài khoản, các loại phí giao dịch..., vì vậy đối tượng muốn nhận tiền mặt để thuận tiện trong chi tiêu; việc chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản người ủy quyền rất dễ dẫn đến chiếm dụng tiền trợ cấp, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của đối tượng thụ hưởng.

Mặt khác, trong kỳ chi trả có nhiều sự biến động trong việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt nên khó khăn trong công tác quản lý. Một số địa phương cũng chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao.

Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh iếp tục bám sát các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Quảng Ninh và các Kế hoạch triển khai thực hiện của Uỷ ban nhân dân tỉnh; chủ trì phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh để triển khai thực hiện hiệu quả nhóm tiện ích chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Sở cũng đề nghị Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã, phòng Lao động - TB&XH tại các địa phương rà soát, xác thực, đối khớp danh sách đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo 100% đối tượng hưởng chính sách ASXH được rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các trường thông tin còn thiếu; phối hợp vận động, tuyên truyền đối tượng thụ hưởng mở tài khoản nhận chi trả qua tài khoản.

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp Viễn thông triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường triển khai, phát triển tài khoản Mobile - Money. Triển khai phủ sóng đến các vùng sâu, vùng xa để người dân được sử dụng dịch vụ.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn phí quản lý tài khoản, phí dịch vụ thanh toán,... khi thực hiện giao dịch cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản, hướng dẫn cài đặt các dịch vụ ngân hàng, thanh toán nhanh chóng, thuận tiện.

Đề nghị Bưu điện tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Bưu điện huyện phối hợp với Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện và UBND cấp xã thường xuyên thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn; tiếp nhận danh sách các đối tượng hưởng hoặc cá nhân được ủy quyền nhận chế độ, chính sách đã có tài khoản do Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện chuyển đến để thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo tại Văn bản số 6269/UBND-XD6 ngày 21/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Minh Hằng

 
TAG: chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24